05 lỗi phổ biến về sở hữu trí tuệ mà các doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải


Các doanh nghiệp xuất khẩu thường chỉ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đã quá muộn, nghĩa là khi họ đối mặt với việc các công ty làm hàng giả, hàng nhái sản phẩm của họ hoặc khi họ bị cáo buộc xâm phạm quyền của người khác.

Điều quan trọng khi xây dựng chiến lược xuất khẩu là doanh nghiệp phải hiểu được môi trường sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu tiềm năng, cũng như hiểu được tất cả các vấn đề về môi trường kinh doanh ở thị trường đó. Tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ dẫn dến nhiều vấn đề không đáng có.

Một số lỗi phổ biến nhất mà các nhà xuất khẩu thường mắc phải là:

1. Tin rằng bảo hộ sở hữu trí tuệ có tính toàn cầu

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tin rằng chỉ cần nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp ở nước sở tại thì họ sẽ nhận được sự bảo hộ trên toàn thế giới. Nhưng thực tế, quyền sở hữu trí tuệ là “quyền có tính lãnh thổ”, nghĩa là chúng thường chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ một nước hoặc trong lãnh thổ một khu vực. Và chỉ có lĩnh vực quyền tác giả mới được bảo hộ tự động ở nhiều nước. Do đó, doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ ở thị trường nội địa sẽ không được bảo hộ ở thị trường xuất khẩu, trừ khi các quyền đó đã được đăng ký và được cấp bởi cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia (hoặc khu vực) của thị trường xuất khẩu có liên quan.

2. Cho rằng pháp luật và thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giống nhau trên toàn thế giới

Tuy đã có sự hài hòa đáng kể về pháp luật và thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn tồn tại khác biệt trong nhiều vấn đề ở các nước khác nhau. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, bằng độc quyền sáng chế được cấp theo nguyên tắc cấp độc quyền cho người đầu tiên tạo ra sáng chế (nghĩa là người nộp đơn có thể không được cấp bằng độc quyền sáng chế nếu có người khác chứng minh được họ đã tạo ra sáng chế này trước), trong khi đó, hầu hết các nước khác đều cấp bằng độc quyền sáng chế theo nguyên tắc người nộp đơn đầu tiên (nghĩa là bằng độc quyền sáng chế sẽ được cấp cho người đầu tiên nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế).

3. Không kiểm tra nhãn hiệu đã được đăng ký hay được sử dụng ở thị trường xuất khẩu hay chưa

Việc tra cứu nhãn hiệu ở thị trường xuất khẩu là một việc làm vô cùng cần thiết trước khi lựa chọn nhãn hiệu. Bởi sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký hay đang được sử dụng bởi một công ty khác ở nước khác có thể bị coi là xâm phạm quyền nhãn hiệu của công ty đó. Công ty của bạn có thể bị yêu cầu ngừng sử dụng nhãn hiệu đó hoặc phải bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm.

4. Nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài quá muộn

Đối với một số quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp, bạn nên đăng ký bảo hộ tại các nước xuất khẩu trong một thời hạn nhất định kể từ ngày nộp đơn trong nước. Thông thường, thời hạn này được coi là “thời hạn ưu tiên ” (1 năm đối với sáng chế và giải pháp hữu ích và 06 tháng đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp). Việc không nộp đơn trong thời hạn ưu tiên có thể khiến bạn mất đi khả năng bảo hộ tại nước đó, và do đó, tạo ra lỗ hổng cho các công ty khác sao chép miễn phí sáng chế và kiểu dáng của bạn.

5. Tìm cách li – xăng sản phẩm ở thị trường mà sáng chế và kiểu dáng có liên quan không được bảo hộ

Thay vì trực tiếp xuất khẩu sản phẩm, nhiều công ty cấp li – xăng (cấp phép) cho các công ty khác để nhận được một khoản phí trọn gói (trả một lần) hoặc tiền phí li – xăng (phí bản quyền là một khoản phí định kỳ, thường là hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng quý, trong đó bên nhận quyền thanh toán cho bên nhượng quyền để tiếp tục sử dụng nhãn hiệu, hệ thống, sản phẩm và dịch vụ của bên nhượng quyền).

Hợp đồng li – xăng thường có những quy định liên quan đến việc chia sẻ bí quyết công nghệ, cũng như cho phép sản xuất và/hoặc bán sản phẩm do bên cấp li – xăng phát triển. Điều quan trọng là phải bảo đảm rằng các quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến sản phẩm sẽ được li – xăng phải được bảo hộ đầy đủ ở nước có liên quan dù hợp đồng li – xăng có được thương lượng ở đâu và hợp đồng phải có các điều khoản phù hợp để xác định rõ vấn đề sở hữu đối với các quyền sở hữu trí tuệ đó.

Để hạn chế những rủi ro không đáng có về sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm đến những cơ quan sở hữu trí tuệ uy tín để được tư vấn một cách tốt nhất. Với đội ngũ luật sư và người đại diện sở hữu trí tuệ có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm hành nghề nhiều năm, có trách nhiệm nghề nghiệp và chuyên nghiệp trong công việc, INVESTIP tin tưởng rằng sẽ đem đến cho Quý khách hàng các dịch vụ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ hoàn hảo nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất nhằm giúp doanh nghiệp bảo vệ được tài sản sở hữu trí tuệ của mình tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.