Năm 2023, tính riêng vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 5.464 vụ việc, tăng 48% so với cùng kỳ. Đây là thống kê đáng báo động về vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.
Ngày 14/6, Bộ Công Thương phối hợp Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tổ chức hội thảo “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống: Thực trạng và giải pháp trong tình hình mới”.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2023 các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý, bắt giữ 146.678 vụ vi phạm, trong đó 11.499 vụ mua bán, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,37% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ).
Thống kê báo động về vi phạm pháp luật trong thương mại
Chỉ tính riêng vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 5.464 vụ việc, tăng 48% so với cùng kỳ. Đây là thống kê đáng báo động về vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử cũng ẩn chứa nhiều thách thức đối với các nhà quản lý. Không ít đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử để mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp với diễn biến ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá tại các tỉnh, thành phố, không khó để tìm mua các loại hàng hoá có dấu hiệu giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường có tổ chức rất chặt chẽ, bí mật, khép kín, nhiều mắt xích, nhiều đối tượng tham gia.
“Trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng. Cá biệt có những mặt hàng giả các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý có điều kiện của Nhà nước như pháo hoa cũng bị làm giả và bán công khai trên các hội nhóm mạng xã hội”, ông Đặng Văn Dũng nêu.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, từ năm 2023 đến hết tháng 5/2024, các lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 37.383 vụ, xử lý hành chính 34.225 vụ vi phạm, đứng đầu cả nước về số vụ việc được kiểm tra, xử lý.
Trong đó, phát hiện, bắt giữ 4.773 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 2.253 vụ mua bán, sản xuất, vận chuyển hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; 27.199 vụ vi phạm về gian lận thương mại, gian lận về thuế; khởi tố 262 vụ đối với 339 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 8.491 tỷ 913 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 744 tỷ 826 triệu đồng.
Cần giải pháp mạnh tay
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thời trang, điện tử, xe đạp – xe máy, hóa mỹ phẩm… đã thông tin thực trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ với từng ngành hàng, doanh nghiêp và thống nhất cần có nhiều giải pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn vấn nạn này.
Về cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị các Bộ, ngành cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về sự ảnh hưởng cũng như tác hại của việc sử dụng hàng giả đến người dân.
Ngoài ra, cần nâng cao khả năng nhận diện cho cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn vi phạm hàng giả, hàng nhái. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với phương thức thương mại điện tử nhằm chấn chỉnh, cũng như xử lý vi phạm, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh bền vững…
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần chủ động trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả vào sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý e ngại việc đấu tranh với hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp.
Các hiệp hội, ngành hàng cần chủ động trong công tác tìm kiếm, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng về các đối tượng có hành vi sản xuất kinh doanh, vận chuyển, cất giữ và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp nói riêng cũng như vi phạm pháp luật nói chung.
Phan Trang
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ