Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh: Lần đầu áp dụng tại Việt Nam


Thoạt nghe tưởng chừng như kỳ lạ nhưng chính việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam “đánh bóng” thương hiệu sản phẩm theo một cách hoàn toàn khác so với trước đây và góp phần hạn chế rủi ro bị đánh cắp thương hiệu trên thị trường.

Nhãn hiệu không chỉ nhìn bằng mắt

Khác với các loại nhãn hiệu truyền thống nhìn được bằng mắt, nhãn hiệu âm thanh thuộc loại nhãn hiệu phi truyền thống không nhận biết được bằng thị giác, bao gồm nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác hoặc xúc giác,… Nhiều người có thể thấy xa lạ nhưng trên thực tế, có những doanh nghiệp Việt Nam đã từng sử dụng loại nhãn hiệu này, thậm chí rất có thể lúc đó họ còn chưa ý thức được đó là một loại “nhãn hiệu”, ví dụ như giai điệu “Kangaroo” được hát theo kiểu yodel từng rất phổ biến trong các quảng cáo máy lọc nước của công ty Kagaroo.

Tiếng sư tử gầm mở đầu phim là một nhãn hiệu âm thanh nổi tiếng của hãng phim MGM (Hoa Kỳ). Nguồn: doanhnhantaichinh

Dù phức tạp hơn so với bảo hộ nhãn hiệu truyền thống song nếu áp dụng đúng cách, nhãn hiệu âm thanh không chỉ thể hiện chức năng vốn có của một nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp mà còn góp phần tăng khả năng thu hút khách hàng. Bởi lẽ, âm thanh có tác động trực quan hơn so với các dấu hiệu khác, có thể chuyển những cảm xúc, đặc trưng của thương hiệu đến với người tiêu dùng, tạo mối liên kết sâu sắc hơn. Chẳng hạn công ty Unilver PLC từng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh “tiếng rít do ma sát ngón tay trên dụng cụ rửa chén bát”, gợi lên cảm giác chén bát được rửa sạch sẽ, tạo sự ấn tượng với khách hàng.

Mặc dù là đối tượng mới lạ ở Việt Nam song việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đã phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Đạo luật Lanham của Hoa Kỳ về bảo hộ nhãn hiệu năm 1946 là một trong những văn bản pháp lý đầu tiên quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, quy chế bảo hộ nhãn hiệu của cộng đồng EU cũng quy định tất cả các loại dấu hiệu đều có thể bảo hộ làm nhãn hiệu”, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, PGĐ Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN) cho biết trong hội thảo về sửa đổi Luật SHTT do trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức vào ngày 9/10 vừa qua.

Điều mới mẻ này sẽ được áp dụng tại Việt Nam vào khoảng hơn hai tháng nữa, khi Việt Nam bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh theo cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba trên thế giới vào thời điểm ký kết năm 2018.

Việc chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh không chỉ thực hiện cam kết trong CPTPP mà còn là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Do sự phát triển kinh tế, số lượng nhãn hiệu mới ra đời ngày càng nhiều. Làm thế nào để tạo ra một nhãn hiệu có tính phân biệt độc đáo hơn là một vấn đề không đơn giản với các doanh nghiệp đi sau. Bởi vậy, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều quốc gia chấp thuận bảo hộ các loại nhãn hiệu phi truyền thống như nhãn hiệu âm thanh để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tạo dựng các nhãn hiệu mới, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn, Nhật Bản đã sửa đổi luật và bắt đầu quy định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh từ năm 2015 với nhãn hiệu đầu tiên được bảo hộ là một giai điệu cho sản phẩm thuốc tiêu hóa nổi tiếng của công ty dược phẩm Taiko.

Vậy các cơ quan về sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp đã chuẩn bị gì để bảo hộ một loại nhãn hiệu hoàn toàn mới ở Việt Nam?

Chuẩn bị cho nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam

Cũng giống như nhãn hiệu truyền thống, có rất nhiều dấu hiệu có thể sử dụng làm nhãn hiệu âm thanh. Thông thường, nhãn hiệu âm thanh gồm hai loại: âm nhạc (có lời hoặc không lời); thứ hai là các âm thanh không phải là âm nhạc, bao gồm các tiếng động tự nhiên, tiếng kêu của động vật, âm thanh của thiết bị máy móc hoặc âm thanh do con người tạo ra như tiếng vỗ tay,… Theo quy định của nhiều quốc gia, những âm thanh mang tính chất kích động bạo lực khủng bố, gây ảnh hưởng xấu,… sẽ bị loại trừ. Chẳng hạn như không được sử dụng tiếng bắn súng để đăng ký làm nhãn hiệu cho đồ chơi trẻ em.

Sự đa dạng của các dấu hiệu âm thanh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quy cách nộp đơn đăng ký sau này. “Trước đây châu Âu quy định thể hiện nhãn hiệu âm thanh dưới dạng đồ họa, tuy nhiên thực tế sau này cho thấy nhãn hiệu âm thanh không chỉ giới hạn trong đồ họa, khuông nhạc,… Bởi vậy, hầu hết các nước sau này ít khi quy định hình thức thể hiện dưới dạng đồ họa mà áp dụng theo Hoa Kỳ, tương đối linh hoạt: có thể thể hiện dưới dạng khuông nhạc, sóng âm hoặc miêu tả bằng lời văn. Tuy nhiên, họ cũng quy định rõ việc mô tả này phải chính xác, rõ ràng, dễ tiếp cận và khách quan”, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh phân tích.

Tuy nhiên, việc đánh giá dấu hiệu nào có thể được bảo hộ làm nhãn hiệu âm thanh không phải là điều đơn giản. Một dấu hiệu chỉ đủ điều kiện trở thành nhãn hiệu âm thanh khi đáp ứng đủ điều kiện về tính phân biệt và tính phi chức năng. “Tính phân biệt là tiêu chuẩn cơ bản của tất cả các loại nhãn hiệu nói chung. Nếu nhãn hiệu truyền thống quy định các dấu hiệu mô tả chức năng, nguồn gốc và quá trình sản xuất sản phẩm sẽ bị loại trừ thì với nhãn hiệu âm thanh, các quốc gia thường nhấn mạnh tính phi chức năng. Thực chất, tính phi chức năng cũng phục vụ cho tiêu chí về khả năng phân biệt”, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh cho biết. Chẳng hạn, người ta không thể bảo hộ tiếng “ting” của lò vi sóng sau khi hoàn thành hâm nóng, vì âm thanh này vốn gắn liền với hoạt động của tất cả các loại lò vi sóng nói chung.

Bên cạnh một số âm thanh độc đáo được coi là có tính phân biệt cố hữu, rất nhiều âm thanh đều phải chứng minh có “ý nghĩa thứ hai”, thể hiện khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng thì mới được bảo hộ nhãn hiệu. “Người nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh phải chứng minh rằng trong tiềm thức người tiêu dùng, khi nghe đến dấu hiệu này họ đều có thể liên tưởng đến nguồn gốc thương mại của sản phẩm mà doanh nghiệp muốn đưa ra thị trường”, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh giải thích. Chẳng hạn như công ty Motorola đã từng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh “chít chít” cho sản phẩm điện thoại nhưng bị công ty Nextel nộp đơn phản đối và Ủy ban giải quyết khiếu nại nhãn hiệu Hoa Kỳ cũng từ chối vì cho rằng âm thanh này không có khả năng phân biệt. Sau đó, công ty Motorola phải tìm cách chứng minh thông qua việc sử dụng âm thanh này trên sản phẩm điện thoại từ năm 1996 nhưng vẫn không đủ sức thuyết phục.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh cho biết, quá trình tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước cho thấy, làm thế nào để xác định việc “sử dụng” nhãn hiệu âm thanh trong thực tế cũng là một câu hỏi phức tạp. Vốn có tính “vô hình” nên nhiều trường hợp nhãn hiệu âm thanh không thể gắn kèm với sản phẩm như nhãn hiệu thông thường, chẳng hạn như khó có thể gắn âm thanh lên một gói kẹo. Do vậy, mỗi quốc gia sẽ có một quy định khác nhau. Chẳng hạn như Anh chấp việc sử dụng nhãn hiệu âm thanh trong quảng cáo được coi là chứng cứ để đánh giá tính phân biệt, trái lại, ở Đức quy định phải thể hiện rõ nhãn hiệu trên sản phẩm, bao bì hoặc các bản thuyết minh kèm theo.

Những vấn đề về nhãn hiệu âm thanh như trên đã được nghiên cứu trong suốt thời gian dài và đang dần trở thành hiện thực thông qua dự án sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện nay. “Vì đây là nội dung mới nên chúng ta cũng phải lưu ý đến nhiều vấn đề liên quan như đào tạo thẩm định viên, tư vấn, cán bộ thực thi,… để đảm bảo hoạt động thực thi quyền với nhãn hiệu âm thanh”, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh nhấn mạnh. “Ngoài ra, chúng ta cũng phải lưu ý hoạt động đào tạo, tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu đúng về nhãn hiệu âm thanh. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy khi bắt đầu bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã vào nộp đơn đăng ký, bởi vậy, doanh nghiệp phải lưu ý để tránh việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Nguồn: khoahocphattrien.vn