Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giúp doanh nghiệp Việt phát triển bền vững


Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội. Thực tế cho thấy, không thể có sản phẩm công nghệ cao, mang thương hiệu nếu không tôn trọng và thực thi nghiêm túc các hoạt động SHTT.

Doanh nghiệp chưa quan tâm đến thương hiệu

Theo Bộ KH&CN, thời gian qua mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực; ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội.

Theo thông kê, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu và tài sản sở hữu trí tuệ. Năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp thì đến năm 2020 có 55.600 đơn, tăng gần 50% trong vòng 5 năm. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng gấp đôi từ 105 đơn vào năm 2015 lên 269 đơn vào năm 2020.

Tuy nhiên, có thể thấy so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vô cùng lớn ở nước ta hiện nay với gần 800.000 doanh nghiệp thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vẫn còn chưa xứng với tiềm năng phát triển của doanh nghiệp nước ta. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp mình.

Báo cáo mới nhất của Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho thấy, riêng trong lĩnh vực nông sản, có đến 80% doanh nghiệp chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và quy luật trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt nhìn nhận một cách đúng đắn nhất. Trong khi đó thương hiệu là “linh hồn” của mỗi doanh nghiệp. Nếu mất thương hiệu không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, mất thị trường.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết: Hiện doanh nghiệp Việt vẫn chưa chú trọng đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đầy đủ ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Đơn đăng ký bảo hộ vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt. Nhiều thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm chúng ta mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước, riêng việc đăng ký bảo hộ tại một thị trường khác ngoài Việt Nam chúng ta chưa thực sự quan tâm đúng mức.

“Một khó khăn nữa là, nhãn hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ nên doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam cũng không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở thị trường nước ngoài. Vì thế, doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu tốt có nhu cầu xuất khẩu nên chủ động xin bảo hộ tại nước ngoài”, ông Đinh Hữu Phí cho biết.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng lưu ý, nếu doanh nghiệp nào đang có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài, cần tiến hành đăng ký thương hiệu ngay. Đó chính là cách duy nhất để doanh nghiệp không rơi vào tình huống phải đi kiện tụng sẽ rất tốn kém thời gian, tiền bạc.

“Chi phí đăng ký thương hiệu ra nước ngoài ban đầu có thể khá cao so với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp nhưng sẽ không đáng là bao khi so sánh với chi phí mà doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra nếu rơi vào tình huống phải đi kiện tụng để lấy lại thương hiệu”, ông Đinh Hữu Phí cho hay.

Theo đánh giá các chuyên gia, việc Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng dẫn đến những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Và để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt, không còn cách nào khác các doanh nghiệp Việt cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đứng vững trong thị trường cả trong nước và quốc tế.

Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT

Mặc dù hoạt động sở hữu trí tuệ đạt nhiều kết quả tích cực trong những năm qua, tuy nhiên các chuyên gia vẫn cho rằng, hoạt động này vẫn bị ‘thờ ơ”, chưa được quan tâm tại nhiều địa phương.

Để khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này, ông Đinh Hữu Phí cho biết: Quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, quyền lợi của toàn bộ xã hội nói chung luôn là trọng tâm trong việc xây dựng các quy định trong các chính sách lớn của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này, từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, cho đến khai thác và thực thi quyền SHTT.

Theo ông Phí, một trong ba mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này là nhằm thi hành các cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia gần đây. Các đề xuất để bảo đảm thi hành cam kết quốc tế được xây dựng trên cơ tận dụng tối đa các linh hoạt mà các điều ước cho phép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam – với vị thế là các chủ thể khai thác công nghệ của thế giới là chủ yếu.

Hay nói cách khác, các quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cũng được xây dựng với quan điểm thi hành cam kết quốc tế ở mức độ phù hợp nhất với trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo đảm cho doanh nghiệp có đủ thời gian bắt kịp với những thay đổi của quá trình hội nhập.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nêu rõ: Theo quy định của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn được hỗ trợ thêm các vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đào tạo, thông tin, thương mại hóa

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Như kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xác định, lựa chọn sản phẩm, tra cứu đánh giá sản phẩm được bảo hộ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, một trong những chính sách quan trọng được đặt ra trong lần sửa Luật Sở hữu trí tuệ lần này là nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Theo đó, các quy định liên quan sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hợp lý và khả thi hơn.

Nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết: Với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn” mục tiêu chính là tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thế hệ trẻ dẫn dắt. Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2022 là cơ hội để thế hệ trẻ tìm hiểu cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ các mục tiêu của họ, giúp biến ý tưởng của họ thành hiện thực, tạo thu nhập, việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh.

Việc nắm vững pháp luật về hệ thống sở hữu trí tuệ như quyền tác giả, nhãn hiệu, sáng chế, quyền đối với giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và các lĩnh vực khác, sẽ hỗ trợ thế hệ trẻ xây dựng, kiến tạo tương lai một cách chắc chắn và bền vững hơn./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam