Bộ ảnh chụp/hình vẽ trong đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp Việt Nam


Trong khi quy định pháp luật về đơn sáng chế ở các nước được xem là khá tương đồng với nhau thì những quy định về đơn kiểu dáng công nghiệp (KDCN) lại khá khác nhau. Có những nước bảo hộ kiểu dáng riêng phần, có những nước lại không; có những nước yêu cầu, nói chung, là phải có 7 hình cơ bản để thể hiện kiểu dáng, thì có nước lại chỉ yêu cầu phải có tối thiểu 3 hình, v.v. Do đó, việc nắm vững các quy định pháp luật về kiểu dáng của mỗi nước là điều cần thiết trong việc xin bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Quy định cơ bản nhất là định nghĩa kiểu dáng và định nghĩa này ở Việt Nam là như sau:

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.

Nói chung, có hai yếu tố cơ bản liên quan đến đơn KDCN. Yếu tố thứ nhất là quy định pháp luật yêu cầu thể hiện kiểu dáng đó như nào, chẳng hạn cần có bao nhiêu ảnh chụp/hình vẽ để thể hiện kiểu dáng, và yếu tố thứ hai là kiểu dáng đó liệu có đáp ứng tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp hay không. Yếu tố thứ hai, nói chung, sẽ chỉ được xác định bởi Cơ quan sở hữu trí tuệ sau khi tiến hành các công việc như tra cứu để tìm ra các kiểu dáng liên quan, từ đó đánh giá theo các tiêu chí nêu trên. Tuy nhiên, yếu tố thứ nhất lại mang tính chủ động với người nộp đơn. Việc chủ động chuẩn bị bộ ảnh chụp/hình vẽ sao cho đạt yêu cầu theo quy định pháp luật, và theo đó, bộ ảnh chụp/hình vẽ sẽ không bị Cơ quan sở hữu trí tuệ từ chối đóng vai trò quan trọng tại thời điểm nộp đơn đăng ký KDCN. Bởi vì, nếu bị từ chối, người nộp đơn sẽ vẫn phải chuẩn bị lại bộ ảnh chụp/hình vẽ để nộp lại, tốn chi phí cho việc phúc đáp từ chối, tốn thời gian cho việc sửa chữa này, làm đơn lâu được cấp bằng độc quyền hơn, và có những trường hợp còn không thể sửa chữa được, mà phải bỏ đơn.

Bài viết này nêu ra các thiếu sót thường gặp nhất liên quan đến bộ ảnh chụp/hình vẽ mà dẫn đến đơn bị Cơ quan sở hữu trí tuệ từ chối về mặt hình thức của đơn KDCN, để người nộp đơn lưu ý hơn về những điểm này trong quá trình nghiên cứu quy định pháp luật để chuẩn bị bộ ảnh chụp/hình vẽ.

1. Hình vẽ thể hiện bằng nét đứt

Đây là thiếu sót thường gặp nhất liên quan đến bộ hình vẽ. Một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản cho phép bảo hộ kiểu dáng riêng phần – là hình thức bảo hộ chỉ một phần sản phẩm mà phần đó không thể tách rời ra khỏi sản phẩm. Theo hình thức bảo hộ này, phần xin bảo hộ và phần không xin bảo hộ được phân biệt với nhau bằng đường nét đứt (là phần không xin bảo hộ) và đường nét liền (là phần xin bảo hộ) hoặc phân biệt bằng màu sắc, kèm theo tuyên bố về phần xin yêu cầu bảo hộ. Trong ví dụ minh họa, Kiểu dáng 1 chỉ xin bảo hộ phần nắp tuýp và Kiểu dáng 2 chỉ xin bảo hộ phần thân chai – là các phần mà người nộp đơn cho rằng chỉ cần những phần đó thì đơn đã đáp ứng tiêu chuẩn tính mới và tính sáng tạo.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, chỉ có sản phẩm hoàn chỉnh và các bộ phận của sản phẩm mà có thể tháo rời ra để lưu thông độc lập mới có thể đăng ký bảo hộ KDCN; nếu một phần trên sản phẩm mà không thể tháo rời ra khỏi sản phẩm thì không có khả năng lưu thông độc lập, và do đó, không thể đăng ký bảo hộ KDCN.

Nếu không hiểu biết về pháp luật và các quy định liên quan tại Việt Nam, người nộp đơn sẽ thường sử dụng bộ hình vẽ có nét đứt đã nộp ở nước ngoài để nộp đơn tại Việt Nam và dẫn đến bị Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) từ chối ở giai đoạn thẩm định hình thức. Trong những trường hợp này, người nộp đơn cần lưu ý chỉnh sửa bộ hình vẽ trước khi nộp đơn tại Việt Nam bằng cách nối liền các đường nét đứt thành đường nét liền để tránh thiếu sót này.

Xin lưu ý rằng mặc dù không bảo hộ kiểu dáng riêng phần nhưng vẫn được phép xin quyền ưu tiên từ các đơn kiểu dáng riêng phần đã nộp trước ở các nước khác. Trong trường hợp này, bộ hình vẽ của đơn nộp tại Việt Nam phải được chỉnh sửa như nêu trên và kiểu dáng sẽ được bảo hộ tổng thể tại Việt Nam.

2. Ảnh chụp/hình vẽ không rõ ràng, sắc nét

Thiếu sót thường gặp tiếp theo là ảnh chụp bị sáng và bóng hoặc không sắc nét (do chụp rung, mờ) hoặc hình vẽ chất lượng kém dẫn đến nét vẽ răng cưa.

Cần lưu ý về chất lượng của hình vẽ hoặc độ phân giải của ảnh chụp sao cho ảnh chụp/hình vẽ khi in ra phải sắc nét và rõ ràng.

3. Nền ảnh chụp có màu không tương phản với KDCN

Thiếu sót tiếp theo liên quan đến những KDCN có màu sắc sáng. Như trong ví dụ trên, màu của KDCN có màu ghi sáng dẫn đến khi in ra, màu của KDCN tương tự với màu nền trắng của giấy in, khiến cho KDCN trở nên không rõ ràng. Trường hợp này cần đưa ảnh chụp/hình vẽ KDCN vào khung có màu nền tương phản với màu ảnh chụp KDCN, ví dụ để trên nền tối màu để làm nổi bật KDCN xin bảo hộ.

4. Trên ảnh chụp kèm theo đối tượng khác (không thuộc KDCN yêu cầu bảo hộ)

Bộ ảnh chụp/hình vẽ dùng để nộp đơn KDCN chỉ được chứa hình ảnh của KDCN xin bảo hộ, ở ví dụ này là “Tuýp mỹ phẩm”, cần loại bỏ hình ảnh bàn tay.

5. Không đầy đủ các hình vẽ/ảnh chụp

Quy định về số lượng ảnh chụp/hình vẽ đối với mỗi loại sản phẩm là như sau:

Nói chung, đối với các sản phẩm 3D, số lượng ảnh chụp/hình vẽ yêu cầu tối thiểu là 07 hình, bao gồm 01 hình tổng thể và 06 hình chiếu thẳng góc. Riêng các sản phẩm 3D có thể khai triển được (ví dụ: hộp đựng, đồ bao gói, v.v.), các hình chiếu của KDCN có thể được thay thế bằng ảnh chụp/hình vẽ KDCN ở trạng thái đã khai triển, theo đó, bộ hình vẽ của KDCN loại này chỉ cần 02 hình là hình tổng thể và hình thể hiện trạng thái đã khai triển.

Đối với các sản phẩm 2D, ví dụ nhãn sản phẩm dùng để dán lên bao bì, thì chỉ cần 01 hình thể hiện nhãn sản phẩm là đủ.

Không có quy định về giới hạn trên của số lượng ảnh chụp/hình vẽ. Người nộp đơn có thể bổ sung hoặc Cục SHTT có thể yêu cầu bổ sung thêm các ảnh chụp/hình vẽ khác (ngoài 07 ảnh chụp/hình vẽ yêu cầu bắt buộc), như hình ở trạng thái sử dụng, hình mặt cắt, hình phóng to, v.v.; nói chung, các hình vẽ này chỉ mang tính chất minh họa và không nằm trong phạm vi bảo hộ của kiểu dáng, phạm vi bảo hộ của kiểu dáng là được thể hiện ở bộ ảnh chụp/hình vẽ yêu cầu bắt buộc.

Ví dụ minh họa về thiếu sót này là như ở dưới đây.

Ngoài ra, cần lưu ý và cân nhắc một số trường hợp có thể tùy chọn bỏ bớt một số hình để tiết kiệm chi phí công bố ảnh chụp/hình vẽ như sau:

– Hình chiếu nhìn từ dưới lên (mặt đáy) của các sản phẩm có kích thước và trọng lượng lớn (ví dụ ô tô), có thể được bỏ qua. Tuy nhiên, nếu thể hiện KDCN (ví dụ, ô tô) bằng bộ hình vẽ thì vẫn cần nộp hình chiếu nhìn từ dưới lên

– Hình tương tự hoặc đối xứng với hình đã có thì có thể được bỏ qua (ví dụ đối với sản phẩm có tính chất đối xứng, dẫn đến hình chiếu thẳng góc của một số mặt là trùng nhau)

– Hình chiếu thẳng góc của bề mặt có chiều dày quá mỏng của KDCN, ví dụ trang giấy, có thể được bỏ qua.

6. Các hình chiếu thẳng góc được thể hiện không đúng với nguyên tắc về hình chiếu kỹ thuật

Theo quy định, các hình chiếu thẳng góc phải thể hiện KDCN ở các góc chiếu (nhìn) khác nhau (nhìn từ phía trước, nhìn từ phía sau, nhìn từ bên trái, nhìn từ bên phải, nhìn từ trên xuống, nhìn từ dưới lên). Theo nguyên tắc vẽ hình chiếu kỹ thuật, các hình chiếu thẳng góc phải thể hiện vật thể được vẽ (ở đây là KDCN) theo cùng một tỷ lệ, cùng chiều và góc chiếu là chính diện.

Thực tiễn cho thấy khá nhiều thiếu sót liên quan đến vấn đề này, như các ví dụ minh họa dưới đây.

  • Các hình chiếu thể hiện KDCN không cùng tỷ lệ
  • Hình chiếu thể hiện KDCN không theo cùng một chiều

Hình chiếu từ phía sau thể hiện sai chiều, cần xoay một góc 180 độ để cùng chiều với hình chiếu từ phía trước.

  • Hình chiếu không được thể hiện chính diện

Các hình chiếu từ phía trước và từ bên phải không được thể hiện chính diện, bị xiên lệch.

  • Hình chiếu KDCN không chính xác

Như thể hiện ở hình chiếu từ phía trước, có 3 phần khoét vào trong; nhưng hình chiếu nhìn từ bên phải không chính xác do thể hiện chỉ có 2 phần khoét vào trong.

7. Thể hiện KDCN không thống nhất

Theo quy định, KDCN phải được thể hiện thống nhất, tức là chỉ bằng ảnh chụp hoặc chỉ bằng hình vẽ. Trong ví dụ này, KDCN được thể hiện bằng cả ảnh chụp và hình vẽ – trái với quy định.

Cũng cần lưu ý thêm trường hợp bộ ảnh chụp/hình vẽ có thêm các ảnh chụp/hình vẽ tham khảo thì có thể ở dạng khác với bộ ảnh chụp/hình vẽ chính. Ví dụ, nếu lựa chọn thể hiện KDCN ở dạng hình vẽ (bộ hình vẽ bao gồm hình tổng thể và các hình chiếu thẳng góc, tất cả ở dạng hình vẽ), nếu có thêm hình thể hiện trạng thái sử dụng thì hình tham khảo này có thể tùy chọn là hình vẽ hoặc là ảnh chụp.

Lời bình

Từ các ví dụ nêu trên, có thể thấy rằng quy định về bộ ảnh chụp/hình vẽ tại Việt Nam là tương đối khắt khe so với các nước trên thế giới. Do đó, việc chuẩn bị bộ ảnh chụp/hình vẽ thường mất nhiều thời gian và đòi hòi sự am hiểu về các quy định hiện hành cũng như thực tiễn thẩm định của Cục SHTT. INVESTIP, với hơn 36 năm hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cam kết hỗ trợ khách hàng tối đa trong quá trình chuẩn bị bộ ảnh chụp/hình vẽ đảm bảo đáp ứng các quy định nêu trên.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Phương và Đinh Thị Thùy Trang

Phòng Sáng chế

INVESTIP – IP LAW FIRM