Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền đối với giống cây trồng


Trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, giống cây trồng đem lại cho tác giả/chủ bằng bảo hộ và cả một quốc gia có những cơ hội để phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã và đang trở nên phổ biến. Những hành vi xâm phạm này đem lại những tổn thất nặng nề cho tác giả/chủ bằng bảo hộ giống cây trồng. Vì vậy, các nhà lập pháp của Việt Nam đã đặt ra nhiều văn bản cũng như các biện pháp để ngăn ngừa, xử lý, và răn đe các hành vi xâm phạm. Buộc bồi thường thiệt hại được xem là biện pháp dân sự xử lý các hành vi xâm phạm, giúp bồi thường, bù đắp các tổn thất do hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng gây ra cho tác giả/chủ bằng bảo hộ giống cây trồng.

Nguồn: Internet

Theo pháp luật Việt Nam, giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được. Như vậy, khái niệm về giống cây trồng của pháp luật Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với khái niệm về giống cây trồng theo Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới[1].  Do đó, việc xác định quyền đối với giống cây trồng và các biện pháp bảo vệ giống cây trồng sẽ được giải quyết dễ dàng hơn khi có phát sinh tranh chấp trong và ngoài nước.

Quyền đối với giống cây trồng là các quyền nhân thânquyền tài sản của tác giả, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng do việc chọn tạo, phát hiện và phát triển, sử dụng, chuyển giao cho người khác, để thừa kế, thừa kế và quyền được bảo vệ khi quyền của tác giả/chủ bằng bảo hộ giống cây trồng bị xâm phạm.

Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng được hiểu là việc sử dụng giống cây trồng đã được bảo vệ bởi Luật Sở hữu trí tuệ một cách trái pháp luật, xâm phạm vào quyền độc quyền của tác giả/chủ bằng bảo hộ giống cây trồng. Chủ bằng bảo hộ có quyền tự mình sử dụng, khai thác các quyền về tài sản đối với giống cây trồng đã được bảo hộ trong suốt thời hạn bảo hộ hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền đó. Đây là quyền hợp pháp được pháp luật thừa nhận và bảo vệ[2]. Chính vì vậy, nếu có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng những quyền năng này mà không được sự cho phép của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng sẽ là hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng (trừ các trường hợp hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định pháp luật) và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền đối với giống cây trồng được hiểu là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng được quy định tại Điều 188 Luật Sở hữu trí tuệ của chủ bằng bảo hộ, được pháp luật bảo vệ đều là hành vi trái pháp luật và sẽ phải bồi thường thiệt hại cho tác giả/chủ bằng bảo hộ giống cây trồng những tổn thất, cả về vật chất và tinh thần, trừ các trường hợp hạn chế sự độc quyền của chủ bằng bảo hộ vì lợi ích cộng đồng.

Nguồn: Internet

Bản chất trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền đối với giống cây trồng là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, là một biện pháp chế tài với những mục tiêu quan trọng như thể hiện chức năng điều chỉnh của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bảo vệ của pháp luật đối với lợi ích của nhà nước và xã hội, ngăn chặn và khắc phục các hậu quả của các hành vi trái pháp luật đã gây ra.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền đối với giống cây trồng là trách nhiệm pháp lý, mang ý nghĩa pháp lý và xã hội sâu sắc, được thể hiện như sau:

  1. Góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả/chủ bằng bảo hộ giống cây trồng. Mục đích của tác giả/chủ bằng bảo hộ giống cây trồng là nhằm thỏa mãn những lợi ích về vật chất và tinh thần của mình đã bị tổn thất khi có hành vi xâm phạm xảy ra. Vì vậy, chế định bồi thường thiệt hại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, giúp bù đắp tổn thất, khôi phục tình trạng ban đầu như khi chưa hành vi xâm phạm xảy ra;
  2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là chế định góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Dựa trên nguyên tắc, người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền đối với giống cây trồng cho tác giả/chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, chính vì vậy, chế định này đã góp phần đảm bảo công bằng. Có thể thấy, đây chính là chế định phù hợp với mục tiêu pháp luật đặt ra, ai gây thiệt hại thì phải bồi thường;
  3. Góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm phạm, trái pháp luật. Ngoài ra, còn góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua các biện pháp chế tài nghiêm khắc để mọi người tuân theo pháp luật, bảo vệ tài sản của chung, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả/chủ bằng bảo hộ giống cây trồng.

[1] Điều 1.

Giống cây trồng là nhóm cây trong một đơn vị phân loại thực vật ở cấp thấp nhất được biết tới cho đến nay và nhóm này, bất luận các điều kiện cấp quyền tác giả có được đáp ứng đầy đủ hay không, có thể:

– Được xác định dựa trên biểu hiện của các tính trạng do một kiểu gen cụ thể hay một tổ hợp các kiểu gen quy định;

– Được phân biệt với bất cứ nhóm cây nào khác dựa trên biểu hiện của ít nhất một trong số các tính trạng nêu trên; và

– Được coi là một đơn vị thực vật phù hợp cho việc nhân giống mà các tính trạng của nó không bị thay đổi.

[2] Trường Đại học Luật TP.HCM (2020), Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ, Chủ biên: Nguyễn Hồ Bích Hằng và Nguyễn Xuân Quang Nxb. Hồng Đức, tr.453

Tác giả: Đặng Ngọc Quỳnh Anh

Phòng Nhãn hiệu

INVESTIP – IP LAW FIRM