Pháp luật hiện hành và thực tiễn áp ụng của Việt Nam:
Luật SHTT hiện hành của Việt Nam không có điều khoản quy đinh cụ thể về Thư chấp thuận, ngoại trừ quy định liên quan về quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu dưới đây:
– Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó – Khoản 2 Điều 87
– Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng – Khoản 7
Trong thực tiễn hàng chục năm kể từ tư khi Luật SHTT 2005 có hiệu lực (01/7/2006), dù pháp luật không có quy định cụ thể, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Cục SHTT) về cơ bản đã chấp nhận tính pháp lý của tài liệu “Thư chấp thuận” trong quá trình thẩm định, thẩm định lại hay xem xét khiếu nại liên quan đến đơn đăng ký nhãn hiệu.
Gần đây, Cục SHTT đang triển khai xin ý kiến, góp ý nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về SHTT hiện hành, trong đó có nội dung về Thư chấp thuận. Trong đó có một số nhóm các vấn đề chung, cơ bản được đề cập như:
Có nên cho phép một nhãn hiệu trong đơn đang được xem xét có thể vượt qua sự từ chối bảo hộ với lý do trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã được đăng ký trước (nhãn hiệu đối chứng) chỉ thông qua Thư Đồng ý của chủ nhãn hiệu đối chứng hay không?
Nội dung cơ bản, bắt buộc của Thư chấp thuận cần có là gì?
Về hình thức, Thư chấp thuận cần được lập theo thủ tục như thế nào? Theo khuôn mẫu ra sao?
Thư chấp thuận nên được xem xét chấp thuận trong phạm vi như thế nào?
Thư chấp thuận có cần phải được cung cấp để xem xét, chấp nhận trong giới hạn về thời hạn, thủ tục nào không?
Việc sử dụng thực tế nhãn hiệu được cấp dựa trên Thư chấp thuận cần đảm bảo điều kiện gì để phòng ngừa rủi ro và gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng?
Các thủ tục sau cấp Bằng liên quan đến Thư chấp thuận như: Thủ tục gia hạn, chuyển nhượng, li-xăng đối với nhãn hiệu được cấp dựa trên Thư chấp thuận cần giải quyết thế nào?…
Một số ý kiến liên quan nhằm hoàn thiện pháp luật SHTT về Thư chấp thuận:
- Có nên hay không chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu dựa trên cơ sở Thư chấp thuận?
Chúng tôi ủng hộ quan điểm chấp nhận Thư chấp thuận trong thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bởi suy cho cùng nhãn hiệu là tài sản trí tuệ của chủ sở hữu, mối quan hệ giữa chủ nhãn hiệu và chủ đơn mang bản chất dân sự dựa trên cơ sở là sự thỏa thuận. Tất nhiên sự thỏa thuận đó phải phù hợp với các nguyên tắc và điều kiện nhất định nhằm đảm bảo đúng chức năng và vai trò của nhãn hiệu.
Theo khảo sát của WIPO (*), đa số các nước tham gia khảo sát đều có ý đồng ý với việc chấp nhận Thư chấp thuận trong thủ tục xem xét bảo hộ nhãn hiệu, trong đó có: Úc, Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ, Singapore và Việt Nam. Bởi vậy chúng tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần luật hóa vào trong Luật SHTT sửa đổi và văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng thống nhất, nhất quán.
- Thư chấp thuận có cần phải tuân thủ quy định về nội dung bắt buộc phải có hay không? Và các nội dung đó là gì?
Chúng tôi cho rằng Thư chấp thuận cần đáp ứng một số điều kiện nhất định về nội dung.
Các nội dung tối thiểu bắt buộc phải có của Thư chấp thuận là:
- Tên, địa chỉ đầy đủ, chính xác của Chủ nhãn hiệu đối chứng;
- Thông tin đầy đủ và chính xác về nhãn hiệu đối chứng;
- Tên và địa chỉ chuẩn xác của chủ đơn xin Thư chấp thuận;
- Thông tin đầy đủ về đơn đăng ký nhãn hiệu (số đơn, ngày nộp đơn, danh mục nhóm và sản phẩm/dịch vụ, tên nhãn, mẫu nhãn);
- Nội dung thể hiện việc chủ nhãn hiệu đối chứng cho phép và không phản đối việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu theo đơn đăng ký tương ứng (đối với nhóm và sản phẩm, dịch vụ cụ thể)
- Cam kết về trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ nhãn hiệu đối chứng đối với các tranh chấp, khiếu kiện liên quan phát sinh, nếu có.
- Thư chấp thuận có cần phải tuân thủ quy định về hình thức hay không?
Chúng tôi cho rằng Thư chấp thuận cũng cần đáp ứng một số điều kiện nhất định về hình thức như:
- Về ngôn ngữ: phải được lập bằng ngôn ngữ chính thức tại Văn phòng xem xét đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Ví dụ tại Cục SHTT Việt Nam thì ngôn ngữ phải bằng tiếng Việt hoặc song ngữ Việt-Anh-Việt…
- Về thẩm quyền ký: Người ký Thư chấp thuận phải là người đại diện hợp pháp của chủ nhãn hiệu đối chứng hoặc của chính chủ nhãn hiêu đối chứng (cá nhân). Người ký Thư chấp thuận của chủ nhãn hiệu đối chứng cần ký và ghi rõ và đầy đủ họ, tên, tên đệm (nếu có), đối với người đại diện chủ nhãn hiệu đối chứng là tổ chức cũng phải ghi rõ chức danh nắm giữ tại tổ chức đó…
- Về hình thức văn bản: Thư chấp thuận phải là bản gốc và được trình bày đầy đủ, rõ ràng các nội dung bắt buộc phải có; Thư cần được ký/đóng dấu xác nhận theo thể thức quy định của pháp luật được áp dụng tại nơi lập Thư chấp thuận (công chứng, chứng nhận chữ ký, hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng bản dịch). Ngoài ra trong Thư cần thể hiện tên Cơ quan tiếp nhận và xem xét Thư chấp thuận (ví dụ: Cục SHTT Việt Nam) và ngày tháng năm ký Thư chấp thuận. Trường hợp Thư chấp thuận gồm nhiều trang thì các trang phải được đánh số và có chữ ký nháy và/hoặc đóng dấu giáp lai.
- Thư chấp thuận nên được xem xét chấp thuận trong phạm vi như thế nào?
Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng: mối quan hệ giữa chủ nhãn hiệu đối chứng và chủ đơn mang bản chất dân sự dựa trên cơ sở là sự thỏa thuận, vì vậy không nên đặt ra sự hạn chế về phạm vi/các trường hợp Thư chấp thuận được chấp nhận mang tính cố định. Việc xem xét để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận một Thư chấp thuận cần được xem xét toàn diện, thấu đáo một mặt dựa trên các nguyên tắc, quy định chung đồng thời cần vận dụng, áp dụng một cách linh hoạt trong từng hình huống, trường hợp cụ thể.
- Thư chấp thuận có cần phải được cung cấp để xem xét, chấp nhận trong giới hạn về thời hạn, thủ tục nào không?
Chúng tôi ủng hộ quan điểm cần quy định, ấn định thời hạn cụ thể cho chủ đơn đối với việc đệ trình, cung cấp Thư chấp thuận trong thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Điều này đảm bảo cho cho tiến trình thẩm định đơn được diễn ra thông suốt, trong phạm vi thời hạn pháp luật quy định.
Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy rằng Luật SHTT cần quy định rõ Thư chấp thuận sẽ được xem xét để chấp nhận trong các thủ tục khác có liên quan đến thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu, bao gồm thủ tục khiếu nại (lần đầu và lần 2), khởi kiện hành chính…theo quy định.
- Việc sử dụng thực tế nhãn hiệu được cấp dựa trên Thư chấp thuận cần đảm bảo điều kiện gì để phòng ngừa rủi ro và gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng?
Chúng tôi nhận thấy đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm và quan ngại khá nhiều từ phía cơ quan đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, dưới giác độ thực tiễn mối quan hệ giữa việc một nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ (trên cơ sở Thư chấp thuận) và việc sử dụng trên thực tế của chủ nhãn hiệu là hai câu chuyện khác nhau, bởi các cơ sở sau: i) Việc đồng ý cấp Thư chấp thuận của chủ nhãn hiệu đối chứng phần lớn xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ nhãn hiệu tại thời điểm đưa ra quyết định; và ii) Việc Cục SHTT xem xét để chấp nhận bảo hộ cho một nhãn hiệu trên cơ sở Thư chấp thuận cũng là kết quả của quá trình thẩm định, đánh giá trên lý thuyết (ít nhiều cũng mang yếu tố chủ quan) để đưa ra kết luận xem các nhãn hiệu liên quan có KHẢ NĂNG gây nhẫm lẫn cho công chúng, người tiêu dung hay không? và iii) Để xác thực khả năng gây nhầm lẫn thực tế, bắt buộc chúng ta phải khảo sát người tiêu dùng, công chúng liên quan. Thêm nữa, thực tế sử dụng một nhãn hiệu và khả năng thực tế về việc nhầm lẫn của công chúng và người tiêu dùng cũng sẽ thay đổi theo thời gian, theo phạm vi không gian…
Để giảm thiểu rủi ro, nên chăng pháp luật cần quy định rõ: trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp trên cơ sở Thư chấp thuận phải có ký hiệu, dấu hiệu hoặc sự ghi chú bằng cách nào đó thể nội dung này, và các thông tin này được lưu trữ lại trong cơ sở dữ liệu chung và được công bố công khai để, có thể tra cứu, kiểm tra khi cần; đồng thời bổ sung quy định về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu được cấp trên cơ sở Thư chấp thuận, ví dụ: Khi sử dụng thực tế, phải thể hiện bằng một ký hiệu, dấu hiệu hoặc chỉ dẫn nhất định nào đó – tương tự như việc sử dụng một nhãn hiệu trên cơ sở một Hợp đồng li-xăng.
- Các vấn đề nảy sinh sau khi nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở Thư chấp thuận nên được giải quyết thế nào?
- Liệu chủ nhãn hiệu đối chứng có quyền rút lại Thư đồng ý sau khi nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận và yêu cầu hủy bỏ bảo hộ nhãn hiệu đó có được chấp nhận hay không cũng là một vấn đề pháp luaath cần dự liệu để xử lý?
Theo quan điểm của chúng tôi, vì việc cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở Thư chấp thuận là đáp ứng điệu kiện và tiêu chuẩn tại thời điểm xem xét. Vì vậy, về nguyên tắc, yêu cầu rút Thư chấp thuận và hủy bỏ nhãn hiệu sau đó là tình tiết mới xuất hiện, nên không có cơ sở phù hợp để hủy bỏ nhãn hiệu đã được cấp (trừ trường hợp dựa trên căn cứ, cơ sở khác do các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định)
- Nếu trong Thư đồng ý, chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng: (i) cho phép người nộp đơn nhãn hiệu đang được xem xét được sử dụng và đăng ký yếu tố trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với yếu tố có trong nhãn hiệu đối chứng và (ii) cam kết rằng sẽ không có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh và chịu mọi trách nhiệm về nội dung của việc cho phép này thì đã đủ cơ sở để giải quyết các tranh chấp về sau (nếu có) giữa hai nhãn hiệu hay không?
Chúng tôi cho rằng cam kết nêu trong Thư chấp thuận chỉ mang ý nghĩa và có giá trị xem xét ở giai đoạn xét cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu là chủ yếu. Các khiếu kiện, tranh chấp phát sinh sau này cần được giải quyết trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố, các căn cứ được áp dụng tại thời điểm phát sinh tranh chấp, ví dụ: các thỏa thuận bổ sung sau đó giữa các bên…
- Khi tiến hành thủ tục gia hạn nhãn hiệu được cấp trên cơ sở Thư chấp thuận có cần thiết phải nộp kèm bản sao Thư chấp thuận không?
Chúng tôi cho rằng điều này là không cần thiết bởi: i) Thư chấp thuận thông thường sẽ không ấn định thời hạn hiệu lực và ii) bản thân Thư chấp thuận sẽ không làm phát sinh quyền bảo hộ cho nhãn hiệu, mà cơ sở phát sinh quyền chính là quyết định cấp Giấy chứng nhận của Cơ quan có thẩm quyền, và iii) Hồ sơ liên quan đến nhãn hiệu được cấp trên cơ sở Thư chấp thuận đã ghi nhận đầy dủ và rõ ràng cả trên Văn bằng bảo hộ và trên cơ sở dữ liệu mà bất kỳ ai cũng có thể tra cứu.
- Khi nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ trên cơ sở Thư đồng ý của chủ nhãn hiệu đối chứng thì khi chuyển nhượng nhãn hiệu đó có cần sự đồng ý tiếp theo bằng văn bản của chủ nhãn hiệu đối chứng đối với việc chuyển nhượng này hay không?
Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng không nên có quy định ràng buộc quá mức cần thiết như trên bởi i) Như nói trên, nhãn hiệu được bảo hộ, dù là trên cơ sở Thư đồng ý, nhưng bản thân Thư đồng ý không tự nhiên và đương nhien làm phát sinh quyền đối với nhãn hiệu đăng ký ii) Yêu cầu có sự đồng ý tiếp theo từ chủ nhãn hiệu đối chứng sau khoảng thời gian 10 năm là điều không khả thi, thậm chí vô lí.
Kết luận:
Nhằm phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra, chúng tôi cho rằng hơn lúc nào hết, đã đến lúc cần đưa các quy định, có thể chỉ là quy định mang tính nguyên tắc, vào Luật SHTT sửa đổi đang được Quốc hội xem xét để tạo khung pháp lý chuẩn mực, minh bạch cho việc hiểu và áp dụng thống nhất Thư chấp thuận trong thực tế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu và các thủ tục liên quan khác.
(*) https://investip.com.vn/wp-content/uploads/2022/05/sct_22_5.pdf
Trịnh Dương Vân
Phòng Thực thi quyền Sở hữu Trí tuệ
INVESTIP – IP LAW FIRM