Gần đây, câu chuyện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Gạo ST25 đang là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, khi mà loại gạo đặc sản của tỉnh Sóc Trăng này đã được nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và tại Úc. Đầu tháng 6 năm 2021, đài truyền hình Việt Nam VTV2 đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ về vấn đề: “Bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài, lưu ý nào cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Tham dự chương trình có các luật sư đến từ các Công ty luật và Đại diện Sở hữu trí tuệ uy tín tại Việt Nam. Sau đây là nội dung chính của bài phỏng vấn ông Tăng Đức Khương, Trưởng phòng Thực thi quyền SHTT Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP.
– PV: Chào ông, xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Gạo ST25?
– INVESTIP:
Căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia liên quan thì vụ việc Gạo ST25 cũng chưa thực sự đáng lo ngại như dư luận và truyền thông gần đây đưa tin. Vì ST25 là tên gọi chung của một loại gạo nên sẽ không thể đăng ký bảo hộ dưới danh nghĩa là một nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam, Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.
Như vậy, về lý thuyết, việc kiện đòi lại thương hiệu hay phản đối hành động đăng ký xin bảo hộ cho tên gọi chung của hàng hóa Gạo ST25 của doanh nghiệp Việt Nam là có cơ sở pháp lý nhất định, nhưng trên thực tế chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để theo đuổi vụ việc đến cùng, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.
Ảnh: Ông Tăng Đức Khương, Trưởng phòng Thực thi quyền SHTT Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP trả lời phỏng vấn của VTV2.
– PV: Trước ST25, chúng ta đã chứng kiến không ít các thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam đã phải tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí để giành lại thương hiệu hoặc thậm chí mất thương hiệu tại thị trường nước ngoài. Vậy, theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là gì?
– INVESTIP:
Thứ nhất, do nhận thức không đầy đủ về pháp luật nước sở tại và pháp luật quốc tế, nhiều chủ doanh nghiệp không ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở thị trường nước ngoài, thậm chí lầm tưởng rằng đã bảo hộ ở Việt Nam rồi thì mặc nhiên bảo hộ tại nước khác. Trong nhiều trường hợp, các thỏa thuận, hợp đồng gia công, hợp đồng phân phối với đối tác ở nước sở tại không rõ ràng, chặt chẽ cũng là căn nguyên dẫn đến rủi ro bị chính đối tác lợi dụng.
Thứ hai, tiềm lực tài chính hạn chế ảnh hưởng đến cơ cấu ngân sách dành cho việc đăng ký quyền SHTT – nhãn hiệu/thương hiệu, đặc biệt việc đăng ký tại thị trường nước ngoài có chi phí cao hơn nhiều so với trong nước.
Thứ ba, doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tương đối bị động trong việc tiếp cận thông tin, lại không được tư vấn, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời, đến khi phát hiện ra vụ việc đã khá muộn.
– PV: Vậy, từ thực tiễn hoạt động tư vấn về SHTT, ông có thể cho biết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam hay không?
– INVESTIP:
Thứ nhất, quyền SHTT hiện vẫn chưa được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp doanh nghiệp tìm đến chúng tôi nhờ tư vấn thủ tục đăng ký nhãn hiệu, sáng chế… ra nước ngoài khi đã muộn/đã có bên thứ ba chiếm dụng đăng ký trước, khiến cho mọi thủ tục trở nên khó khăn hơn nhiều.
Thứ hai, nguồn kinh phí eo hẹp cũng là một trở ngại lớn. Lực bất tòng tâm, thực tế là sau khi được tư vấn về quy trình, thủ tục và chi phí liên quan, nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng/bỏ dở kế hoạch đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài; hoặc cắt giảm lựa chọn/chỉ chọn phạm vi và khối lượng đăng ký bảo hộ rất hạn chế để tiết kiệm chi phí…
Thứ ba, do pháp luật của mỗi quốc gia có những yêu cầu và quy định đặc thù nên việc đăng ký nhãn hiệu tại mỗi nước là không giống nhau. Việc trao đổi, cập nhật thông tin về diễn biến hồ sơ, việc nhận và phúc đáp yêu cầu, giải trình, bổ sung hồ sơ cho cơ quan đăng ký nước sở tại kịp thời, và được chấp thuận trong quá trình theo đuổi thủ tục đăng ký cũng là khó khăn, đặc biệt trong tình hình đại dịch Covid đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
– PV: Từ câu chuyện của Gạo ST25 cũng như các vụ tranh chấp thương hiệu của các doanh nghiệp Việt tại thị trường nước ngoài trước đó, theo ông, đâu là bài học rút ra cho các doanh nghiệp Việt trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu tại thị trường nước ngoài?
– INVESTIP:
Theo khuyến cáo của Cục SHTT Việt Nam, các doanh nghiệp cần ý thức đầy đủ rằng:
- Mỗi quốc gia đều có một hệ thống pháp luật SHTT riêng, vì thế các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu rõ về thị trường xuất khẩu tiềm năng của mình, trong đó bao gồm việc tìm hiểu hệ thống, quy định bảo hộ SHTT của nước sở tại; đã có ai/đơn vị nào đăng ký bảo hộ trước hay chưa?
- Với mỗi sản phẩm đều có thể có các lựa chọn khác nhau về hình thức/cách thức đăng ký bảo hộ phù hợp và hiệu quả. Để lựa chọn được giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu rủi ro xâm phạm quyền của doanh nghiệp khác, đồng thời ngăn cản hành vi làm nhái, sao chép của bên thứ ba, doanh nghiệp cần được tham vấn đầy đủ bởi chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm.
- Sau cùng, để không rơi vào tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu cần quan tâm thích đáng hơn đối với các tài sản trí tuệ của mình, bao gồm thương hiệu/nhãn hiệu, tên thương mại… để kịp thời đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại quốc gia sở tại trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa đến thị trường đó.
– PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! ./.