Đặt khách hàng làm trọng tâm khi thiết kế sản phẩm là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của thương hiệu đình đám Zara.
Nhắc đến Zara hẳn rất nhiều người sẽ nhớ đến thương hiệu bán lẻ thời trang nổi tiếng thế giới. Với việc tạo ra một đế chế thời trang bán lẻ phát triển nhanh chóng, Zara khao khát tạo ra niềm đam mê với thời trang giữa nhiều người tiêu dùng, trải khắp các nền văn hóa và nhóm tuổi khác nhau.
Zara được Amancio Ortega và Rosalía Mera thành lập vào năm 1975 ở thành phố Galicia, Tây Ban Nha. Cửa hàng đầu tiên bày bán đồ quần áo có giá rẻ. Và trong vòng 8 năm sau đó, cách tiếp cận thời trang và mô hình kinh doanh của Zara dần tạo ra sức hút với người tiêu dùng Tây Ban Nha cùng với đó là 9 cửa hàng được mở mới tại các thành phố lớn nhất của Tây Ban Nha.
Năm 1985, Inditex được thành lập như một công ty cổ phần, đặt nền móng cho một hệ thống phân phối có khả năng phản ứng với việc thay đổi xu hướng thị trường cực kỳ nhanh chóng. Ortega đã tạo ra một quy trình thiết kế, sản xuất và phân phối mới, có thể giúp giảm thời gian sản xuất và phản ứng với các xu hướng mới một cách nhanh chóng hơn. Đó chính là khái niệm mà ông gọi là “thời trang ngay lập tức”. Điều này được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư lớn vào công nghệ thông tin và sử dụng các nhóm thay vì các nhà thiết kế riêng lẻ cho phần việc rất quan trọng – thiết kế.
Trong thập kỷ tiếp theo, Zara bắt đầu mở rộng mạnh mẽ sang các thị trường ở phạm vi toàn cầu gồm Bồ Đào Nha, New York (Mỹ), Paris (Pháp), Mexico, Hy Lạp, Bỉ, Thụy Điển, Malta, Síp, Na Uy và Israel. Ngày nay, hầu như không có một quốc gia phát triển nào mà không có cửa hàng Zara. Zara hiện có 2.251 cửa hàng có vị trí chiến lược tại các thành phố hàng đầu trên 96 quốc gia. Không có gì ngạc nhiên khi Zara, khởi đầu là một cửa hàng nhỏ ở Tây Ban Nha, hiện là nhà bán lẻ thời trang phát triển nhanh nhất thế giới. Người sáng lập ra thương hiệu, Amancio Ortega, xếp vị trí giàu thứ sáu thế giới theo tạp chí Forbes.
Cốt lõi của thành công mà Zara đạt được ngày hôm nay đến từ sự tập trung vào khách hàng. Có một câu chuyện hấp dẫn xung quanh cách Zara và khách hàng của mình “đồng sáng tạo” ra các sản phẩm. Vào năm 2015, một phụ nữ tên Miko bước vào một cửa hàng Zara ở Tokyo và hỏi trợ lý cửa hàng về một chiếc khăn màu hồng, nhưng cửa hàng không có bất kỳ chiếc khăn màu hồng nào. Điều tương tự cũng xảy ra gần như đồng thời đối với Michelle ở Toronto, Elaine ở San Francisco và Giselle ở Frankfurt, tất cả đều bước vào cửa hàng Zara và yêu cầu những chiếc khăn màu hồng. Tất cả họ rời khỏi các cửa hàng mà không có bất kỳ chiếc khăn nào – một trải nghiệm mà nhiều người hâm mộ Zara khác gặp phải trên toàn cầu trong các cửa hàng Zara khác nhau chỉ trong vài ngày.
7 ngày sau, hơn 2.000 cửa hàng Zara trên toàn cầu bắt đầu bán những chiếc khăn màu hồng. Chính xác là 500.000 chiếc khăn màu hồng đã được bán hết trong 3 ngày.
Một trong những bí mật thành công của Zara là thương hiệu đào tạo và trao quyền cho nhân viên và quản lý cửa hàng của mình. Những nhân sự này đặc biệt nhạy cảm với nhu cầu và mong muốn của khách hàng, và cách khách hàng thể hiện khi đến mua tại cửa hàng. Zara trao quyền cho các cộng tác viên bán hàng và quản lý cửa hàng trong nghiên cứu khách hàng. Họ chăm chú lắng nghe và ghi chú ý kiến khách hàng về ý tưởng cắt giảm những chi tiết thừa, vải hoặc một xu hướng mới. Họ quan sát kĩ các phong cách mới mà khách hàng đang mặc, có thể tự đánh giá về khả năng được chuyển đổi thành một phong cách độc đáo mang thương hiệu Zara. Trong khi đó, các báo cáo bán hàng truyền thống hàng ngày khó có thể cung cấp một bức tranh cập nhật năng động như vậy về thị trường. Đế chế Zara được xây dựng dựa trên hai quy tắc cơ bản: Tập để cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn có, và giúp khách hàng có thể nhận được sản phẩm họ mong muốn nhanh hơn bất kỳ nhãn hiệu khác nào.
Do khả năng nghiên cứu khách hàng rất cạnh tranh của Zara, các dịch vụ sản phẩm của họ trên toàn cầu phản ánh nhu cầu và mong muốn riêng biệt của từng cá thể khách hàng dựa trên khác biệt về thể chất, khí hậu hoặc văn hóa. Nó cung cấp các mẫu quần áo có kích cỡ nhỏ hơn ở Nhật Bản, quần áo phụ nữ đặc biệt ở các nước Ả Rập và quần áo có tính thời vụ khác nhau ở Nam Mỹ. Những khác biệt trong dịch vụ sản phẩm giữa các quốc gia được hỗ trợ rất nhiều bởi sự tương tác thường xuyên giữa các nhà quản lý cửa hàng địa phương của Zara và đội ngũ sáng tạo của thương hiệu.
Công nghệ cũng là một yếu tố cần nhắc đến. Zara đã thiết lập các hệ thống điều khiển công nghệ tinh vi, cho phép thông tin nhanh chóng được chuyển từ các cửa hàng về trụ sở chính ở Arteixo, Tây Ban Nha. Điều này cho phép các nhà lãnh đạo ra quyết định hành động nhanh chóng và phản ứng hiệu quả với xu hướng đang phát triển. Đội ngũ thiết kế của nó thường xuyên đến thăm các trường đại học; câu lạc bộ đêm và các địa điểm khác để quan sát những gì các nhà lãnh đạo thời trang trẻ đang mặc. Tại trụ sở của mình, đội ngũ thiết kế sử dụng màn hình phẳng được liên kết bằng webcam với các văn phòng ở Thượng Hải, Tokyo và New York (những thành phố hàng đầu về xu hướng thời trang), đóng vai trò là người chạy theo xu hướng. Nhóm ‘Xu hướng’ không bao giờ đến các buổi trình diễn thời trang mà theo dõi các blogger và lắng nghe khách hàng của mình một cách chặt chẽ.
Việc các nhà thiết kế và khách hàng của Zara liên kết chặt chẽ với nhau là một phần quan trọng trong chiến lược thương hiệu. Các nhóm chuyên gia nhận được phản hồi liên tục về các quyết định mà khách hàng của họ đưa ra tại mỗi cửa hàng Zara, nơi liên tục truyền cảm hứng cho đội ngũ sáng tạo Zara.
Bên cạnh sự quan tâm đến khách hàng, bí quyết thành công của Zara chủ yếu được thúc đẩy bởi khả năng bắt kịp xu hướng thời trang thay đổi nhanh chóng và ít khi chậm trễ khi thể hiện điều đó trong các bộ sưu tập của mình. Ngay từ đầu, Zara đã giải quyết được khó khăn giữa tính thời trang và thời gian ra mắt, điều mà hiếm có thương hiệu quần áo nào làm tốt. Mục tiêu của thương hiệu này là theo kịp các xu hướng thời trang mới nhất, đồng thời tạo ra bộ sưu tập quần áo có chất lượng cao nhưng giá cả phải chăng. Zara theo dõi sát sao xu hướng thời trang thay đổi và phát triển mỗi ngày trên toàn thế giới. Dựa trên các phong cách và xu hướng mới nhất, nó tạo ra các thiết kế mới và đưa chúng vào các cửa hàng chỉ trong một hoặc hai tuần. Trong khi đó, hầu hết các thương hiệu thời trang khác sẽ mất gần sáu tháng để đưa các thiết kế và bộ sưu tập mới vào thị trường.
Chính nhờ chiến lược giới thiệu các bộ sưu tập mới dựa trên các xu hướng mới nhất một cách nhanh chóng đã giúp Zara đánh bại các đối thủ khác. Nó nhanh chóng trở thành thương hiệu yêu thích của mọi người, đặc biệt là với những người muốn theo kịp xu hướng thời trang. Và người sáng lập Amancio Ortega chính là người nổi tiếng với quan điểm về quần áo là một mặt hàng dễ hỏng. Theo ông, mọi người nên thích sử dụng và mặc quần áo trong một thời gian ngắn và sau đó họ nên vứt chúng đi, giống như sữa chua, bánh mì hoặc cá, thay vì cất chúng trong tủ.
Thời gian sản xuất ngắn hơn (và quần áo thời trang hơn): Thời gian sản xuất ngắn hơn cho phép Zara đảm bảo rằng cửa hàng của mình bán những mẫu quần áo mà khách hàng muốn vào thời điểm đó (ví dụ: bộ sưu tập xuân / hè hoặc thu / đông cụ thể, xu hướng gần đây, một món đồ được mặc bởi một người nổi tiếng / một diễn viên và bất ngờ phổ biến, bộ sưu tập mới nhất của một nhà thiết kế hàng đầu, v.v.). Trong khi nhiều nhà bán lẻ cố gắng dự báo những gì khách hàng có thể mua hàng tháng trong tương lai, Zara chuyển động cùng với khách hàng của mình và cung cấp cho họ những gì họ muốn mua tại một thời điểm nhất định.
Số lượng thấp hơn (nguồn cung khan hiếm): Bằng cách giảm số lượng sản xuất cho một kiểu thiết kế cụ thể, Zara không chỉ tạo ra thực tế “không phải ai cũng có thể sở hữu được sản phẩm” mà còn tạo ra sự khan hiếm “nhân tạo”. Tương tự như nguyên tắc áp dụng cho tất cả các mặt hàng thời trang (và cụ thể hơn là thời trang sang trọng), thì thứ càng ít có sẵn, càng trở nên dễ được mong muốn. Một lợi ích khác của việc sản xuất số lượng thấp hơn là nếu một kiểu dáng không tạo ra lực kéo với người mua và có doanh số kém, thì sẽ giúp giảm thiểu khả năng một số lượng lớn sản phẩm phải bỏ đi. Một năm, Zara chỉ có hai lần bán hàng “có điều kiện ràng buộc” thay vì phải giảm giá liên tục. Thương hiệu này cũng chỉ phải giảm giá một phần rất nhỏ các sản phẩm của mình, khoảng một nửa so với các đối thủ cạnh tranh, đó là một kỳ tích rất ấn tượng.
Nhiều kiểu mẫu thiết kế hơn: Thay vì sản xuất số lượng nhiều hơn cho mỗi một thiết kế, Zara tạo ra nhiều thiết kế hơn, khoảng 12.000 mẫu thiết kế mỗi năm. Ngay cả khi một kiểu phong cách/mẫu thiết kế bán hết rất nhanh, vẫn có những mẫu mới đang chờ để lấp đầy không gian cửa hàng. Điều này có nghĩa là có nhiều lựa chọn hơn và cơ hội cao hơn để đạt được sự phù hợp cao nhất với nhu cầu của người tiêu dùng.
Zara chỉ cho phép các thiết kế của nó duy trì tại cửa hàng trong ba đến bốn tuần. Điều này khiến người tiêu dùng liên tục ghé thăm các cửa hàng của Zara bởi vì nếu họ chỉ trễ một tuần, tất cả quần áo theo một phong cách hoặc xu hướng cụ thể sẽ biến mất và thay thế bằng một xu hướng mới. Đồng thời, việc làm mới liên tục các dòng và kiểu dáng cũng lôi kéo khách hàng ghé thăm các cửa hàng của nó thường xuyên hơn.
Thành công của Zara còn nhờ chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc, rất nhạy của Zara cho phép xuất khẩu hàng may mặc 24 giờ, 365 ngày trong năm, dẫn đến việc vận chuyển sản phẩm mới tới các cửa hàng hai lần một tuần. Sau khi sản phẩm được thiết kế, họ mất khoảng 10 đến 15 ngày để đến các cửa hàng. Tất cả mặt hàng quần áo được xử lý thông qua trung tâm phân phối ở Tây Ban Nha, nơi các sản phẩm mới được kiểm tra, sắp xếp, gắn thẻ và đưa lên xe tải. Trong hầu hết các trường hợp, các mặt hàng quần áo được giao đến các cửa hàng trong vòng 48 giờ. Sự tích hợp dọc này cho phép Zara giữ quyền kiểm soát các khâu như nhuộm vải và khả năng xử lý vải theo yêu cầu để cung cấp các loại vải chính xác cho các kiểu mới theo sở thích của khách hàng. Nó cũng loại bỏ nhu cầu về kho bãi và giúp giảm tác động của biến động nhu cầu. Đây chính xác là văn hóa và sự tôn trọng thực tế của thương hiệu này rằng đó là không ai là người tạo ra xu hướng xác thực, tốt hơn chính bản thân khách hàng.
Nguồn: Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh