Ngày 30/11/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.
I. Cơ sở pháp lý và quan điểm chỉ đạo
- Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022
- Căn cứ Nghị định số 65/2023 ngày 23 tháng 8 năm 2023 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
- Căn cứ Quyết định số 917/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 01/8/2022 về Ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 3; và
- Thực hiện văn bản số 8364/VPCP-KGVX ngày 13/12/2022 của Văn phòng chính phủ
Thông tư mới được ban hành theo trình tự và thủ tục rút gọn quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thay thế các thông tư hiện hành. Mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của việc ban hành thông tư mới nhằm: Quy định chi tiết các nội dung được giao tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022; kế thừa và phát huy các quy định hướng dẫn Nghị định 103/2006 vẫn còn giá trị áp dụng thực tiễn và chỉnh lý phù hợp đẻ khắc phục những vướng mắc phát sinh; không đặt ra và quy định các nội dung về thủ tục hành chính.
II. Bố cục của Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN
Thông tư gồm 48 Điều chia thành 6 Chương.
Chương I: CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Điều 4. Đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại
Điều 5. Ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Điều 6. Trách nhiệm của người nộp đơn, người khiếu nại và đại diện
Điều 7. Phí, lệ phí sở hữu công nghiệp
Chương II: XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Mục 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Điều 8. Tiếp nhận đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Điều 9. Thẩm định hình thức đơn
Điều 10. Công bố đơn hợp lệ
Điều 11. Xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Điều 12. Thẩm định nội dung đơn
Điều 13. Thẩm định lại
Mục 2. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ
Điều 14. Yêu cầu đối với đơn đăng ký sáng chế
Điều 15. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký sáng chế
Điều 16. Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế
Mục 3. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ BỐ TRÍ
Điều 17. Yêu cầu đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí
Điều 18. Bảo mật thông tin trong đơn đăng ký thiết kế bố trí
Điều 19. Thẩm định hình thức đơn đăng ký thiết kế bố trí
Điều 20. Công bố đơn đăng ký thiết kế bố trí
Mục 4. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP
Điều 21. Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Điều 22. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Điều 23. Thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Mục 5. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU
Điều 24. Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu
Điều 25. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký nhãn hiệu
Điều 26. Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu
Điều 27. Ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng
Mục 6. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ
Điều 28. Yêu cầu đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Điều 29. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Điều 30. Thẩm định nội dung đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Chương III: VĂN BẰNG BẢO HỘ
Điều 31. Từ chối cấp, cấp văn bằng bảo hộ
Điều 32. Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, về đại diện sở hữu công nghiệp
Điều 33. Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ
Điều 34. Căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
Chương IV: KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT HIẾU NẠI LIÊN QUAN ĐẾN CÁC THỦ TỤC VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Điều 35. Người có quyền khiếu nại, đối tượng bị khiếu nại, thời hiệu khiếu nại và người giải quyết khiếu nại
Điều 36. Đơn khiếu nại
Điều 37. Rút đơn khiếu nại và đình chỉ giải quyết khiếu nại
Điều 38. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại
Điều 39. Công bố quyết định giải quyết khiếu nại
Điều 40. Hiệu lực của quyết định, thông báo bị khiếu nại và quyết định giải quyết khiếu nại
Điều 41. Các biện pháp hạn chế phát sinh khiếu nại
Chương V: BẢO ĐẢM THÔNG TIN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Điều 42. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp
Điều 43. Tiếp cận và khai thác thông tin thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp
Điều 44. Dịch vụ tra cứu thông tin, cung cấp tư liệu
Điều 45. Bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp tại các địa phương
Điều 46. Cấp bản sao tài liệu, xác nhận đơn đầu tiên để hưởng quyền ưu tiên
Chương VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 47. Quy định chuyển tiếp
Điều 48. Hiệu lực thi hành
III. Các nội dung sửa đổi chính tại Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Sở hữu trí tuệ 2022, Thông tư đã quy định chi tiết hơn:
- Về hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ:
Điều 34 khoản 2 và 3 hướng dẫn căn cứ xác định đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu, cụ thể:
“2. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ hiệu lực do người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ trong trường hợp sau đây:
a) Có căn cứ cho rằng, tại thời điểm nộp đơn, người nộp đơn biết hoặc có cơ sở để biết nhãn hiệu mình đăng ký trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với một nhãn hiệu đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự; và
b) Việc đăng ký này nhằm lợi dụng danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu đó để thu lợi; hoặc chủ yếu nhằm mục tiêu bán lại, cấp phép hoặc chuyển giao quyền đăng ký cho người có các nhãn hiệu nêu tại điểm a khoản này; hoặc nhằm mục tiêu ngăn chặn khả năng gia nhập thị trường của người có các nhãn hiệu nêu tại điểm a khoản này để hạn chế cạnh tranh; hoặc các hành vi trái với tập quán thương mại lành mạnh khác.
3. Quy định tại khoản 1 và 2 Điều này cũng được áp dụng trong quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế và nhãn hiệu.”
Điều 34 khoản 1, hướng dẫn xác định sáng chế được cấp vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu:
“1. Văn bằng bảo hộ sáng chế bị hủy bỏ hiệu lực do sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ trong các trường hợp so với bản mô tả ban đầu và đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng, bản mô tả sáng chế có sự thay đổi về nội dung và sự thay đổi này làm xuất hiện thông tin không có nguồn gốc trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu của đơn, cụ thể như sau:…”
- Về phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Điều 11 về xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp quy định:
“1. Trường hợp ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp theo quy định tại Điều 112a của Luật Sở hữu trí tuệ và đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 9 Điều này, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn, trong đó ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này.
2. Trường hợp nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký bị phản đối trùng với nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ do bên phản đối đưa ra hoặc có cơ sở rõ ràng để kết luận nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ bị phản đối tương tự gây nhầm lẫn hoặc không tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ do bên phản đối đưa ra, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối trong quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối.
3. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người phản đối trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó.
4. Trên cơ sở thông tin, chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp (nếu có) theo quy định tại khoản 1 và 3 Điều này hoặc/và kết quả đối thoại giữa các bên theo quy định tại khoản 7 Điều này và tài liệu có trong đơn, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối.
5. Trong trường hợp ý kiến của người phản đối liên quan đến quyền đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo để người phản đối nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các trường hợp sau:
a) Có cơ sở rõ ràng để xác định về việc người nộp đơn không có quyền nộp đơn theo quy định tại khoản 7 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;
b) Ý kiến về quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đối với dấu hiệu là hoặc có chứa dấu hiệu là địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ.
6. Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo nêu tại khoản 5 Điều này mà người phản đối không gửi cho Cục Sở hữu trí tuệ bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án thì Cục Sở hữu trí tuệ coi như người phản đối rút bỏ ý kiến phản đối và tiếp tục xử lý đơn như không có ý kiến phản đối. Trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án của người phản đối trong thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ tạm dừng việc xử lý đơn để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án. Sau khi nhận được kết quả giải quyết của Tòa án, việc xử lý đơn sẽ được tiến hành phù hợp với kết quả đó.
7. Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người phản đối và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề có ý kiến phản đối nếu xét thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của cả hai bên.
8. Thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người phản đối và thời hạn dành cho người phản đối phản hồi ý kiến của người nộp đơn theo quy định tại khoản 1 và 3 Điều này không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
9. Ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt. Tài liệu kèm theo ý kiến phản đối có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.”
- Về sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế
Điều 16.9 về thẩm định đơn sáng chế hướng dẫn:
“9. Việc sử dụng kết quả tra cứu thông tin và kết quả thẩm định đơn đăng ký sáng chế của cơ quan sáng chế nước ngoài được thực hiện như sau:
a) Trong quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ có thể tham khảo kết quả tra cứu thông tin và kết quả thẩm định đơn tương ứng đã nộp ở nước ngoài;
b) Kết quả tra cứu và kết quả thẩm định nêu tại điểm a khoản này bao gồm một trong số các tài liệu sau:
(i) Báo cáo tra cứu, báo cáo thẩm định và thông báo kết quả thẩm định;
(ii) Bản công bố bằng độc quyền sáng chế hoặc văn bằng bảo hộ.
c) Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả thẩm định nội dung của một đơn sáng chế nộp ở nước ngoài để đánh giá khả năng bảo hộ, nếu đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Kết quả thẩm định nội dung trong các tài liệu nêu tại tiết (i) và (ii) điểm b khoản này phải được ban hành bởi các cơ quan trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Cục Sở hữu trí tuệ;
(ii) Trong kết quả thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế nộp ở nước ngoài nêu trên có ít nhất một điểm yêu cầu bảo hộ được đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ;
(iii) Các điểm yêu cầu bảo hộ của đơn nộp tại Việt Nam ban đầu hoặc sau khi sửa đổi phải trùng với các điểm yêu cầu bảo hộ được đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ trong kết quả thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế nộp ở nước ngoài nêu trên;
(iv) Người nộp đơn nộp các tài liệu sau đây cho Cục Sở hữu trí tuệ: yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định của nước ngoài làm theo mẫu quy định tại Phụ lục của Thông tư này; bản sao kết quả thẩm định; bản dịch kết quả thẩm định (nếu cần); các điểm yêu cầu bảo hộ được cơ quan sáng chế nước ngoài đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ và bản dịch (nếu cần); các tài liệu được trích dẫn trong các kết quả xử lý đơn của cơ quan sáng chế nước ngoài (nếu cần); bản mô tả sửa đổi, bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi, bổ sung so với bản mô tả ban đầu đã nộp (nếu có sửa đổi); và các khoản phí theo quy định.
d) Trong trường hợp các điều kiện nêu tại điểm c khoản này đáp ứng, yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định nội dung của nước ngoài được chấp nhận và Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của người nộp đơn.
Mọi thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sáng chế trong thời hạn 12 tháng nêu trên nếu làm cho một trong các điều kiện nêu tại điểm c khoản này không còn đáp ứng, đơn đăng ký sáng chế đó được thẩm định theo thủ tục thông thường.
đ) Trong trường hợp một trong các điều kiện nêu tại điểm c khoản này không đáp ứng, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo từ chối yêu cầu sử dụng kết quả của nước ngoài và đơn đăng ký sáng chế được thẩm định theo thủ tục thông thường.”
- Đáng lưu ý, để phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư cũng không quy định về các thủ tục.
Các thủ tục hành chính của Thông tư cũ đã được đưa lên Nghị định số 65/2023 ngày 23 tháng 8 năm 2023, gồm: thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, thủ tục sửa/tách/chuyển đổi/thay đổi chủ đơn, rút đơn, thủ tục sửa đổi, thay đổi chủ văn bằng, thu hẹp phạm vi bảo hộ, thủ tục duy trì, gia hạn văn bằng bảo hộ; thủ tục chấm dứt, hủy văn bàng bảo hộ, thủ tục xử lý đơn quốc tế nhãn hiệu, thủ tục xử lý đơn quốc tế về sáng chế, thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhường, li-xăng, thủ tục liên quan đến cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ, thủ tục ghi nhận, sửa đổi, xóa tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ.
Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2023.
Phòng Thực thi quyền