Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông về sở hữu trí tuệ, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong điều kiện từ ngày 1-7-2024, Cục Sở hữu trí tuệ chính thức không hưởng cơ chế tài chính đặc thù. Đồng thời, Cục xây dựng giải pháp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao để đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thời gian tới. Đây là thông tin được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết tại buổi Tọa đàm “Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ”.
Theo ông Lê Huy Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác xử lý đơn.
Liên quan đến sở hữu trí tuệ, trong vấn đề xử lý đơn cũng như sở hữu công nghiệp cũng có nhiều mâu thuẫn, vướng mắc hay tranh chấp, cần thời gian cũng như sự phối hợp của các bên để phân định. Vì vậy, công tác truyền thông trong lĩnh vực này rất quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về sở hữu trí tuệ, đưa sở hữu trí tuệ gần gũi hơn với người dân.
Tại Tọa đàm, ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, Sở hữu trí tuệ “len lỏi” trong tất cả các lĩnh vực đời sống, không chỉ liên quan trong nước mà liên quan đến cả thế giới và tác động của sở hữu trí tuệ lan tỏa rất nhanh. Cục tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế. Điển hình, Cục tham gia đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chủ trì xây dựng phương án đàm phán các văn kiện về nguồn gen, tri thức truyền thống. Cục tích cực tổ chức và tham gia các buổi làm việc trong nhóm công tác của các Hiệp định: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và mức độ tự do hóa mạnh (UKVFTA)…; công tác đào tạo, tập huấn về SHTT năm 2023 đã được triển khai một cách tích cực, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, phần nào đáp ứng được nhu cầu của hệ thống và xã hội, góp phần quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về SHTT.
Ngoài ra, các hoạt động hợp tác quốc tế của Cục tiếp tục được triển khai tích cực thông qua các diễn đàn đa phương về sở hữu trí tuệ tại ASEAN và APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương). Các hoạt động hợp tác song phương tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ nhằm đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, của Bộ Khoa học và Công nghệ. Cục tiếp tham gia đàm phán nội dung SHTT trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; và chủ trì xây dựng phương án đàm phán các văn kiện về nguồn gen, tri thức truyền thống và các hình thức biểu đạt của văn hóa dân gian trong khuôn khổ WIPO/IGC.