Sự chủ động của doanh nghiệp, sự hỗ trợ và định hướng của nhà nước là cần thiết để bảo hộ thương hiệu cũng như nâng cao danh tiếng, giá trị cho sản phẩm Việt Nam ở các thị trường nước ngoài.
Đánh mất thương hiệu ở nước ngoài
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, niềm hân hoan về việc lần đầu có được một thương hiệu “gạo ngon nhất thế giới” qua cuộc thi World’s Best Rice do tổ chức The Rice Trader tổ chức năm 2019 của Việt Nam đã vụt tắt khi ST25 có nguy cơ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Vào tháng tư vừa qua, thông tin về năm doanh nghiệp Hoa Kỳ nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 ở thị trường này đã khiến nhiều người sững sờ. Bởi lẽ, gạo ST25 được sản xuất từ giống lúa ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu ở Sóc Trăng lai tạo từ nhiều năm nay cũng như được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam.
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 ở các thị trường nước ngoài là điều quan trọng để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp cũng như danh tiếng của gạo ST25 khi xuất khẩu. Ảnh: Kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả của giống lúa ST25. Nguồn: Đời sống Pháp luật
Tưởng chừng thương hiệu gạo ST25 thuộc về Việt Nam là điều hiển nhiên song thực tế, đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này của một doanh nghiệp Hoa Kỳ đã được chấp nhận và công bố đơn vào ngày 4/5. Trong vòng 30 ngày, nếu không bên nào phản đối đơn đăng ký này, chúng ta có thể đánh mất thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Hoa Kỳ. Vụ việc chưa kết thúc thì mới đây, lại có thông tin doanh nghiệp của Úc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 tại thị trường này.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu Việt Nam phải đối mặt với tình thế bị chiếm đoạt ở các thị trường nước ngoài. Do phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu chỉ giới hạn trong mỗi quốc gia, các doanh nghiệp thường tập trung ở thị trường trong nước nên chỉ đăng ký bảo hộ trong nước chứ không nộp đơn bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Tuy nhiên, không ít trường hợp khi doanh nghiệp phát triển hơn, muốn mở rộng thị trường thì phát hiện ra nhãn hiệu của mình đã bị bên khác đăng ký bảo hộ. Sau vụ việc của ST25, người ta đã nhắc lại hàng loạt bài học trước đây như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre,… từng bị các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chân đăng ký trước ở nước ngoài.
Để “đòi lại” các nhãn hiệu này, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải tốn không ít thời gian và tiền bạc. “Tranh chấp nhãn hiệu ở USPTO (Mỹ) rất phức tạp, dù chỉ yêu cầu cơ quan hành chính (TTAB) giải quyết nhưng nó lại có tính chất như một vụ kiện thực sự ở tòa án, với đầy rẫy các thủ tục tố tụng dân sự phức tạp”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, người có kinh nghiệm hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ tranh chấp nhãn hiệu ở nước ngoài, nhận xét. “Tuy vậy, điều may mắn là có đến 95% các vụ kiện ở TTAB đều được giải quyết ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn giữa, tức là hai bên đàm phán với nhau, còn nếu đi đến giai đoạn cuối cùng thì sẽ vô cùng tốn kém”.
Doanh nghiệp cần đầu tư cho nhãn hiệu
Nếu liên kết các vụ việc lại, người ta sẽ thấy gạo ST25 vấp vào bánh xe đổ của rất nhiều trường hợp khác. Vì sao câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” của thương hiệu Việt ở nước ngoài cứ lặp đi lặp lại suốt bao nhiêu năm nay? Có lẽ, một trong những vấn đề chính nằm ở quan điểm của doanh nghiệp về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở quốc gia nào sẽ phụ thuộc vào mục tiêu thị trường của các doanh nghiệp. Do vậy, theo lẽ thường, ít có doanh nghiệp nào muốn bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để đăng ký và duy trì nhãn hiệu ở một thị trường mà họ ít quan tâm. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, nên “họ rất lăn tăn vì đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cũng tốn kém và cũng không nắm chắc quy trình thủ tục”, luật sư Lê Quang Vinh nhận xét.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Quang Vinh, các doanh nghiệp nên nhìn nhận việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “giống như một khoản đầu tư” chứ không phải là một khoản chi phí phát sinh. “Nếu đã đăng ký thương hiệu cho mình thì nghĩa là bạn sẽ giữ được thị trường, ngược lại để thương hiệu lọt vào tay kẻ khác nghĩa là bạn đối mặt với khả năng không những không còn thị trường mà còn bị rủi ro bị kiện tụng, tranh chấp kéo dài và tốn kém”, anh nhận xét.
Bài học nhãn tiền từ các vụ tranh chấp thương hiệu Việt ở nước ngoài trước đây đã cho thấy rõ điều này. Chẳng hạn vào năm 2000, khi Trung Nguyên định mở rộng sang thị trường Hoa Kỳ, một công ty tại đây đã nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên, khiến Trung Nguyên phải bỏ ra hàng trăm nghìn USD trong khoảng hai năm mới lấy lại được nhãn hiệu của mình. Nhận thấy tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, sau vụ việc trên, ngay lập tức, Trung Nguyên đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ còn là điều cần thiết để đảm bảo uy tín của thương hiệu. Nếu doanh nghiệp chiếm đoạt nhãn hiệu và kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu này không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin vào nhãn hiệu này. Chẳng hạn với trường hợp của gạo ST25, những doanh nghiệp nước ngoài đang đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này được cho là không nhập khẩu hoặc mua từ sản phẩm gạo được tạo ra từ giống lúa ST25 chính hiệu nên sản phẩm gạo họ bán mang thương hiệu ST25 ở Mỹ là mang tính mạo danh gạo ST25 được cung cấp bởi chính kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự – tác giả giống lúa ST25 và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí – đơn vị đang sở hữu bản quyền giống lúa ST25. Do vậy, nếu để họ kinh doanh sản phẩm gạo mang thương hiệu ST25 trên thị trường, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng gạo ngon của ST25. Đây cũng là một trong những lý do khiến kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự đã quyết định ủy quyền cho luật sư tại Hoa Kỳ để nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho gạo ST25, dù trước đó cho biết chưa có ý định mở rộng sang thị trường Hoa Kỳ.
Nhà nước cần nhập cuộc
Với trường hợp của gạo ST25, việc lấy lại nhãn hiệu này có lẽ vẫn nằm trong tầm tay. “Chúng ta có thể phản đối các đơn đăng ký nhãn hiệu dựa trên căn cứ pháp lý theo luật Mỹ như ST25 chỉ thuần túy mô tả (merely descriptive), hoặc ST25 lừa dối công chúng (deceptiveness), hoặc ST25 chỉ dẫn sai lệch về mối quan hệ (a false suggestion of a connection). Để có thể chiến thắng nếu sử dụng 2 căn cứ pháp lý cuối thì chúng ta phải chứng minh được danh tiếng của nhãn hiệu ST25 ở Mỹ. Tôi nghĩ điều này có thể làm được”, luật sư Lê Quang Vinh nhận xét.
Từ vụ ST25, phải chăng chúng ta nên nghĩ đến câu chuyện vừa bảo vệ thương hiệu của riêng doanh nghiệp với xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên nền móng của thương hiệu riêng đó? Chẳng hạn trong trường hợp gạo ST25, theo luật sư Lê Quang Vinh, các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ, công thương,… nên cùng ngồi lại để tìm ra chiến lược phù hợp cho thương hiệu gạo ST25. “Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan, họ có một thương hiệu gạo rất mạnh dựa trên giống lúa Thai Hom Mali là gạo Thai Hom Mali hay còn gọi là Thai Jasmine Rice. Để tránh tình trạng mạo danh gạo Thai Hom Mali có xuất xứ thật từ Thái Lan, họ đã đăng ký thương hiệu Thai Hom Mali dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận thuộc sở hữu của nhà nước (Bộ Công thương Thái Lan là chủ sở hữu) ở hàng chục quốc gia trên thế giới trong đó có cả Mỹ”, anh cho biết.
Để phát triển thương hiệu gạo Thai Hom Mali và tránh tình trạng giả mạo nhãn hiệu khi xuất khẩu, Thái Lan đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Thai Hom Mali ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Nhãn hiệu chứng nhận Thai Hom Mali cho sản phẩm gạo ở Hoa Kỳ. Nguồn: USPTO
Bài học từ quốc gia láng giềng như Thái Lan cho thấy, về lâu dài, việc phát triển các thương hiệu cho gạo nói riêng cũng như nông sản nói chung là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giải bài toán nâng cao giá trị nông sản. Bao lâu nay, chúng ta vẫn “đau đầu” vì Việt Nam là nước có sản lượng xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới song giá trị xuất khẩu mang lại không tương xứng. Việc thúc đẩy những thương hiệu đã có danh tiếng như gạo ST25 có lẽ sẽ góp phần giải quyết vấn đề này. Ngoài việc tiến hành bảo hộ trước những doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách chiếm đoạt nhãn hiệu gạo ST25, “chúng ta có thể tận dụng sự chú ý của công chúng trong thời gian gần đây để marketing thương hiệu gạo ST25 ở thị trường nước ngoài”, luật sư Lê Quang Vinh nhận xét.
Theo Khoahocvaphattrien