Đăng ký nhãn hiệu tại Vương Quốc Anh


Vương Quốc Anh (UK) có nền kinh tế thuộc top đầu thế giới và lớn thứ ba tại Châu Âu sau Đức và Pháp. Vì vậy, việc Đăng ký nhãn hiệu vào thị trường tiềm năng này đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp quốc tế, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, luật nhãn hiệu của UK lại có nhiều khác biệt so với luật nhãn hiệu của Việt Nam, đặc biệt là thực tiễn xét nghiệm nhãn hiệu. Hãy cùng INVESTIP tìm hiểu các thông tin về luât nhãn hiệu của UK trong bài viết dưới đây.

Đa dạng đối tượng bảo hộ nhãn hiệu ở UK

UK tham gia Nghị định thư Madrid (thuộc Hệ thống đăng ký nhãn hiệu toàn cầu Madrid) từ 01/12/1995. Khi đăng ký nhãn hiệu vào UK, doanh nghiệp có thể chọn 1 trong 2 cách là đăng ký quốc gia hoặc đăng ký quốc tế theo Madrid để yêu cầu bảo hộ thương hiệu ở UK.

Khác với Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký các dấu hiệu nhìn thấy được và có khả năng phân biệt thì phạm vị được phép đăng ký nhãn hiệu theo Luật của UK rất rộng, cụ thể không chỉ gồm các dấu hiệu (có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc thương mại) nhận biết được bằng thị giác mà còn gồm dấu hiệu được nhận biết bằng giác quan khác như thính giác, vị giác. Điều này có nghĩa các đối tượng Doanh nghiệp có thể bảo hộ nhãn hiệu ở UK gồm nhãn hiệu thông thường (ordinary mark), nhãn hiệu màu (color mark), nhãn hiệu mùi (smell mark), nhãn hiệu âm thanh (sound mark), nhãn hiệu chuyển động (motion mark), nhãn hiệu vị trí (position mark).

Tháp đồng hồ Big Ben, thủ đô London, nước Anh

Được bảo hộ bởi UK dù chỉ vượt qua một tiêu chuẩn pháp lý duy nhất

Theo pháp luật nhãn hiệu của hầu hết các nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam và Mỹ, nhãn hiệu xin đăng ký chỉ có thể được bảo hộ nếu thỏa mãn 2 điều kiện bắt buộc hoặc còn gọi là 2 tiêu chuẩn pháp lý:

Điều kiện 1: Dấu hiệu xin đăng ký nhãn hiệu có khả năng tự phân biệt (inherent distinctiveness), nghĩa là nó không được mô tả chức năng, công dụng, thành phần, tính chất hoặc các thuộc tính khác của hàng hóa, dịch vụ

Điều kiện 2: Dấu hiệu xin đăng ký nhãn hiệu không xung đột với quyền có trước của người khác, nghĩa nó không được trùng hoặc tương tự tới mức có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu có trước của người khác.

Người ta hay gọi Điều kiện 1 là Căn cứ từ chối tuyệt đối (Absolute Ground) và Điều kiện 2 là Căn cứ từ chối tương đối (Relative Ground).

Trái với thực tiễn xét nghiệm nhãn hiệu theo 2 tiêu chuẩn pháp lý của thế giới, Cơ quan sở hữu trí tuệ UK (UKIPO) không xét nghiệm điều kiện 2 đối với nhãn hiệu xin đăng ký ở UK (gồm cả nhãn hiệu đăng ký quốc gia, nhãn hiệu EUTM và nhãn hiệu đăng ký quốc chỉ định/mở rộng lãnh thổ vào UK) kể từ ngày 1/10/2007. Điều này có nghĩa UKIPO chỉ tiến hành thẩm định nhãn hiệu xin đăng ký để trả lời câu hỏi liệu nhãn hiệu đó có đáp ứng điều kiện 1, nghĩa là nó có mô tả chức năng, công dụng, đặc tính của hàng hóa/dịch vụ hay không bất luận UKIPO có thể tìm thấy hoặc không tìm thấy nhãn hiệu có trước trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu xin đăng ký.

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại UK

  • Tên và địa chỉ của chủ đơn/người nộp đơn
  • Mẫu nhãn hiệu dưới dạng file PDF hoặc JPG
  • Mô tả sơ lược mẫu nhãn hiệu bao gồm cả mô tả màu sắc ở nhãn hiệu
  • Liệt kê tên sản phẩm hàng hóa/dịch vụ và nhóm tương ứng theo Thỏa ước Nice
  • Bản dịch sang tiếng Anh hoặc phiên âm đối với các yếu tố/dấu hiệu chứa trong nhãn hiệu không phải là tiếng Anh
  • Bản sao chứng thực tài liệu ưu tiên nếu xin hưởng ngày ưu tiên trong vòng 6 tháng theo một đơn đăng ký khác đã nộp ở Việt Nam hoặc một nước thành viên khác của Công ước Paris
  • Thông tin về việc đã sử dụng/chưa sử dụng nhãn hiệu ở UK.

Lưu ý: UK chấp nhận đơn đăng ký nhiều nhóm (multi-class application). Hồ sơ yêu cầu nêu trên chỉ áp dụng đối với nhãn hiệu thông thường, các yêu cầu đối với nhãn hiệu phi truyền thống như nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu chuyển động, nhãn hiệu 3 chiều, nhãn hiệu hình dạng,…khá phức tạp do vậy nên liên hệ với INVESTIP để được tư vấn và hỗ trợ.

Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại UK

Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại UK gồm 3 pha:

  • Thẩm định – Nhãn hiệu được thẩm định liên quan đến hình thức, phân nhóm, sự rõ ràng, tính mô tả, khả năng phân biệt.
  • Công bố – Những thông tin của đơn như mẫu nhãn hiệu, tên người nộp đơn, địa chỉ, số đơn, ngày, v.v… sẽ được công bố online.
  • Đăng bạ – Nếu không có phản đối, nhãn hiệu sẽ được cấp Văn bằng bảo hộ.

Quy trình xét nghiệm nhãn hiệu nộp dưới dạng đăng ký quốc gia ở UK diễn ra rất nhanh, chỉ mất 4 – 7 tháng (đăng ký quốc tế mất từ 9 – 10 tháng) là doanh nghiệp có thể nhận đăng ký nhãn hiệu bởi UKIPO. Cụ thể, nhãn hiệu sau khi nộp sẽ được UKIPO thẩm định trong vòng khoảng 8 tuần. Nếu kết quả xét nghiệm không tìm thấy căn cứ từ chối, UKIPO sẽ ban hành văn bản thông báo nhãn hiệu xin đăng ký được cho công bố trên Trade Marks Journal để bất kỳ bên thứ ba nộp phản đối trong thời hạn 2 tháng hoặc bên thứ 3 được phép gia hạn nộp phản đối trong vòng 3 tháng nữa. Kết thúc giai đoạn công bố và phản đối mà không có ai phản đối thì UKIPO sẽ thông báo chấp nhận đăng ký nhãn hiệu và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Nguồn: Internet