Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ: Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp


Khi được quan tâm đúng mức, quyền sở hữu trí tuệ có thể trở thành một tài sản có giá trị của một doanh nghiệp, nâng cao doanh thu, lợi nhuận, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng gần 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Theo các chuyên gia sở hữu trí tuệ (SHTT), SHTT là một tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận. Đồng thời là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp (DN) trước mắt và trong tương lai. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng gần 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tham gia đăng ký xác lập quyền SHTT. Nguyên nhân là do nhận thức của chủ DN còn hạn chế, nhân lực, tài chính còn thiếu và nhất là việc thực thi quyền SHTT cả DN và nhà nước còn yếu.

Diễn đàn “Quyền sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa” thu hút sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp

Để góp phần thuận lợi hóa hoạt động của DN, giúp DN giải quyết những khó khăn trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, Cục Sở hữu trí tuệ vừa phối hợp với trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, tổ chức Diễn đàn “Quyền sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã cung cấp cho các đại biểu, DN về quyền SHTT, về việc xác lập quyền SHTT, cách thức đăng ký và bảo vệ quyền SHTT… Đặc biệt, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệp sử dụng SHTT làm lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, tài sản vô hình ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của DN và tính cạnh tranh của DN trên thị trường. Ngày nay, tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của DN. Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, khi hàng rào thuế qua đang được dần gỡ bỏ, DN cần phải có chiến lược phát triển thương hiệu và bảo hộ SHTT cho riêng mình.

Ký kết hợp tác giữa trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp về nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, trong khuôn khổ Diễn đàn “Quyền sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp vừa và nhỏ”

Việc không đăng ký xác lập quyền SHTT sẽ khiến DN đẩy mình vào rủi ro như mất quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là nhãn hiệu hoặc bị đối thủ có những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, DN nói chung và DN nhỏ và vừa nói riêng cần tiền hành đăng ký xác lập quyền SHTT, từ đó DN sẽ được Nhà nước bảo vệ quyền lợi như độc quyền với các sản phẩm trí tuệ do mình tạo ra như sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu… Ngoài ra, DN có thể phòng tránh được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh

Theo ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nếu DN quan tâm đúng mức, quyền SHTT có thể trở thành một tài sản có giá trị của một DN để nâng cao doanh thu lợi nhuận, tạo ra lợi thế so với đối thủ cạng tranh và tạo dựng được vị thế vững chắc trên thị trường. Mặt khác, mỗi DN nhỏ và vừa có thể sử dụng quyền SHTT như một công cụ kinh tế mạnh nếu họ nhận thức được và biết cách khai thác nó, ngược lại quyền SHTT có thể làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, thậm chí có thể khiến nhiều DN thất bại.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Lê Minh Tuấn – nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Graphenel – chia sẻ, để sử dụng SHTT làm lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh, đầu tiên DN phải đăng ký sáng chế, quyền SHTT sản phẩm, dịch vụ của mình. Trong đó, phải xác định công nghệ cốt lõi DN nằm ở đâu, hướng tới thị trường, khách hàng và đối tượng nào… và trên cơ sở đó vạch ra chiến lược, phát triển giá trị cốt lõi của chính DN. Ngoài ra, DN cũng cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường đại học – viện nghiên cứu để tạo ra nền tảng hiệu quả cho sự phát triển các hoạt động SHTT, vì 80% nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hiện đang tập trung tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Một chiến lược phát triển phù hợp và hệ thống quản lý hữu hiệu trong việc bảo hộ quyền SHTT kể cả trong nước và nước ngoài, sẽ giúp cho DN có được sản phẩm mang tính cạnh tranh cao lại tiết kiệm được chi phí và kịp thời ngăn chặn việc sao chép nhãn mác, làm nhái sản phẩm…

Theo Congthuong.vn