1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu, đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu và bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp. Hệ thống Madrid, được điều hành bởi Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), là một trong những công cụ hiệu quả giúp các doanh nghiệp đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia thông qua một quy trình đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí. Việt Nam, với vai trò là thành viên của Nghị định thư Madrid từ năm 2006, đã và đang tích cực tham gia vào hệ thống này, cho phép các doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký nhãn hiệu quốc tế có chỉ định Việt Nam. Tuy nhiên, không phải mọi đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế (đơn Madrid) đều được chấp nhận toàn bộ. Một thực tế phổ biến hiện nay là các đơn này có khả năng bị từ chối một phần danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ tại Việt Nam, gây ra không ít khó khăn cho cả người nộp đơn lẫn cơ quan quản lý.
Bài viết dưới đây sẽ làm rõ về các thủ tục pháp lý liên quan đến xử lý đơn Madrid có chỉ định tại Việt Nam bị từ chối một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ, thực tiễn việc từ chối một phần danh mục sản phẩm/dịch vụ cũng như một số giải pháp và đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình xử lý đơn.
2. Pháp luật về xử lý đơn Madrid có chỉ định Việt Nam bị từ chối một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ
Nhằm phù hợp với Nghị định thư Madrid, Việt Nam đã ban hành các quy định điều chỉnh việc xử lý đơn Madrid có chỉ định Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp quốc tế trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Theo Điều 27 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, quy trình xử lý đơn Madrid bị từ chối một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các bước sau:
Trước tiên, sau khi nhận được thông báo từ Văn phòng Quốc tế về đơn Madrid có chỉ định Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiến hành thẩm định nội dung đơn theo quy trình áp dụng cho đơn đăng ký nhãn hiệu theo thể thức quốc gia. Trong vòng 12 tháng kể từ ngày Văn phòng Quốc tế ra thông báo, cơ quan này phải đưa ra kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu.
Nếu một phần hoặc toàn bộ danh mục hàng hóa, dịch vụ không đáp ứng điều kiện bảo hộ, cơ quan quản lý sẽ ban hành thông báo tạm thời từ chối trước khi hết thời hạn 12 tháng. Thông báo này sẽ nêu rõ nội dung và lý do dự định từ chối và được gửi đến Văn phòng Quốc tế. Theo đó, người nộp đơn có thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận được thông báo trên để sửa đổi hoặc có ý kiến phản đối. Như vậy, sẽ có hai trường hợp xảy ra tiếp theo:
(i) Việc sửa đổi hoặc ý kiến phản đối được chấp nhận.
(ii) Người nộp đơn không sửa chữa hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu, không phản hồi hoặc phản hồi không xác đáng.
Sự khác biệt giữa hai trường hợp nêu trên chính là phạm vi hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ theo đơn đăng ký quốc tế này tại Việt Nam. Rõ ràng, nếu việc sửa đổi hoặc ý kiến phản đối được chấp nhận, người nộp đơn có thể được bảo hộ toàn bộ danh mục sản phẩm, dịch vụ của mình tại Việt Nam. Ngược lại, cơ quan có thẩm quyền sẽ chính thức từ chối bảo hộ đối với phần danh mục hàng hóa, dịch vụ bị từ chối, đồng thời vẫn bảo hộ phần còn lại nếu đáp ứng điều kiện.
Như vậy, dù người nộp đơn có sửa đổi hay ý kiến phản đối hay không, đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế vẫn sẽ được bảo hộ tại Việt Nam với danh mục sản phẩm, dịch vụ thỏa mãn các điều kiện bảo hộ. Vì vậy, về mặt thủ tục, sau khi xác định được danh mục được bảo hộ, cơ quan nhà nước đều sẽ thực hiện các công việc sau:
(i) Ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam với phạm vi (khối lượng) bảo hộ tương ứng với hàng hóa, dịch vụ đáp ứng điều kiện bảo hộ; ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế); và gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố bảo hộ sau thông báo tạm thời từ chối;
(ii) Công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.
Bên cạnh đó, khi nhãn hiệu đăng ký quốc tế được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam, chủ sở hữu có thể yêu cầu cấp giấy xác nhận bảo hộ với điều kiện nộp đầy đủ phí và lệ phí theo quy định. Quy trình này giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người nộp đơn, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý thực thi hiệu quả các tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.
3. Một số lý do từ chối một phần danh mục sản phẩm/dịch vụ
Khi một đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế được chỉ định đến Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ áp dụng các quy định và tiêu chuẩn để xem xét và thẩm định đơn. Do vậy, không phải mọi sản phẩm, dịch vụ trong đơn đăng ký quốc tế đều được chấp thuận. Trong nhiều trường hợp, đơn đăng ký quốc tế này đã được chấp thuận tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, nhưng khi chỉ định đến Việt Nam, đơn đăng ký nhãn hiệu này vẫn bị từ chối một phần. Dưới đây là một số căn cứ từ chối phổ biến dẫn đến việc từ chối một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ:
(i) Danh mục không rõ ràng hoặc không cụ thể
Một trong những lý do phổ biến nhất khiến một phần danh mục bị từ chối là cách mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ không đủ chi tiết, rõ ràng. Đây chính là ý nghĩa của cụm từ “too vague” thường xuất hiện trong các thông báo dự định từ chối.
Cụ thể, khi nộp đơn thông qua hệ thống Madrid, người nộp đơn thường dựa trên Bảng phân loại Nice và thực tế hoạt động kinh doanh của mình để mô tả danh mục hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, với vai trò là một bảng danh mục tiêu chuẩn quốc tế, Bảng phân loại Nice chỉ bao gồm danh mục các sản phẩm, dịch vụ mang tính phổ biến và chung chung. Trong khi đó, đối với nhiều cá nhân, doanh nghiệp, khi gặp trường hợp các sản phẩm, dịch vụ của mình không có trong Bảng phân loại, thường có xu hướng viết chung chung, không phản ánh đầy đủ và rõ ràng phạm vi bảo hộ. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam có xu hướng yêu cầu danh mục phải được mô tả chi tiết, cụ thể để tránh nhầm lẫn hoặc chồng lấn với nhãn hiệu khác.
Ví dụ, một doanh nghiệp quốc tế đăng ký nhãn hiệu trong nhóm 42 với mô tả “dịch vụ thiết kế” (design services). Mô tả này bị coi là quá rộng, vì nó có thể bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế thời trang, thiết kế nội thất hay thiết kế phần mềm, dẫn tới không đáp ứng yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam. Một ví dụ khác như đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “Chất hóa học” (Chemicals) trong Nhóm 01. Với việc không cụ thể chất hóa học này được sử dụng trong lĩnh vực nào, hay dành cho đối tượng nào, đơn đăng ký nhãn hiệu này cũng đã bị từ chối bảo hộ đối với sản phẩm này.
(ii) Xung đột với các nhãn hiệu đã đăng ký, bảo hộ từ trước ngày đơn đăng ký quốc tế được chỉ định Việt Nam
Lý do thứ hai bắt nguồn từ nguyên tắc ưu tiên trong luật sở hữu trí tuệ: quyền bảo hộ thuộc về nhãn hiệu đăng ký trước. Nếu một phần danh mục trong đơn Madrid trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, phần đó sẽ bị từ chối để ngăn ngừa nguy cơ gây nhầm lẫn trên thị trường.
Khi xem xét yếu tố xung đột, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đánh giá mức độ tương đồng về phát âm, hình thức trình bày và ý nghĩa của nhãn hiệu, cũng như sự liên quan giữa các hàng hóa, dịch vụ.
Ví dụ như một doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu cho “dịch vụ bán buôn và bán lẻ các sản phẩm: quần áo, túi xách, thắt lưng, nước hoa, dầu gội đầu, tinh dầu, xà phòng” trong Nhóm 35. Theo đó, Nhãn hiệu này bị từ chối một phần danh mục đối với “dịch vụ bán buôn và bán lẻ: nước hoa, dầu gội đầu, tinh dầu, chế phẩm mỹ phẩm để tắm” do tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam cho các sản phẩm “xà phòng, nước hoa, tinh dầu, dầu gội đầu, keo xịt tóc” cho Nhóm 03 từ trước ngày chỉ định Việt Nam của đơn đăng ký quốc tế.
(iii) Không phù hợp với quy định pháp luật
Một số hàng hóa hoặc dịch vụ trong danh mục có thể không được chấp thuận do không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành hoặc các chuẩn mực đạo đức xã hội tại Việt Nam. Cụ thể, những sản phẩm hoặc dịch vụ như cờ bạc không được cấp phép, hàng hóa chứa nội dung phản cảm, hoặc các mặt hàng bị cấm kinh doanh đều có nguy cơ bị từ chối bảo hộ. Chẳng hạn, một nhãn hiệu đăng ký cho “dịch vụ cá cược trực tuyến” thuộc nhóm 41 có thể bị từ chối vì hoạt động cờ bạc trực tuyến hiện chưa được hợp pháp hóa tại Việt Nam. Ví dụ này cho thấy sự cần thiết của việc tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp lý và tôn trọng các giá trị xã hội để đảm bảo tính hợp lệ trong quá trình đăng ký bảo hộ.
(Còn tiếp…)
Tăng Đức Khương, Nguyễn Thanh Phương