ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU – NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Liên hệ

1: Nhãn hiệu là gì? Nhãn hiệu (Trademark) khác Thương hiệu (Brand) như thế nào?

Nhãn hiệu (Trademark) là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng làm Nhãn hiệu phải là những dấu hiệu dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa.

Phân biệt Trademark và Brand:

Brand là tên gọi, hình ảnh, biểu tượng hay bất cứ yếu tố nào thể hiện danh tiếng của doanh nghiệp trong mắt công chúng.

Hay nói cách khác, Thương hiệu (Brand) là một khái niệm kinh doanh – marketing, trong khi Nhãn hiệu (Trademark) là một khái niệm pháp lý.

2: Tại sao cần đăng ký Nhãn hiệu?

Đăng ký bảo hộ độc quyền đối với Nhãn hiệu là thủ tục pháp lý cần thiết nhằm xác lập quyền Sở hữu trí tuệ của chủ thể với Nhãn hiệu tại Việt Nam. Việc đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu giúp chủ sở hữu đảm bảo các quyền lợi sau:

  • Đảm bảo việc sử dụng Nhãn hiệu của mình không xâm phạm quyền đối với các tài sản trí tuệ của người khác;
  • Khi Nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ, chủ sở hữu được độc quyền khai thác lợi ích thương mại từ Nhãn hiệu của mình trong thời hạn bảo hộ;
  • Tạo ra hàng rào pháp lý giúp bảo vệ chủ sở hữu trước các hành vi xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ (bao gồm việc sao chép, “đạo nhái”, sử dụng Nhãn hiệu giống hoặc tương tự, hoặc tự ý đăng ký độc quyền Nhãn hiệu) và qua đó tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường;
  • Có quyền thu lợi nhuận từ việc li-xăng hoặc chuyển nhượng Nhãn hiệu;
  • Tạo ra Thương hiệu riêng trên thị trường, giúp khẳng định vị thế và phân biệt với các Thương hiệu khác.
3: Có những loại nhãn hiệu nào?

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, Nhãn hiệu gồm 03 loại như sau:

  • Nhãn hiệu thông thường: bao gồm nhãn hiệu sản phẩm và nhãn hiệu dịch vụ, được sử dụng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức khác nhau;
  • Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó;
  • Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Về hình thức thể hiện của nhãn hiệu, bên cạnh các dấu hiệu truyền thống bao gồm các dấu hiệu có thể nhìn thấy được dưới dạng hai chiều (chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh) và ba chiều, các tổ chức và cá nhân có thể yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu cho các dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa.

4: Những đối tượng nào không được bảo hộ làm nhãn hiệu?

Theo Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ, dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu là những dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với:

  • Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca;
  • Biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước và các tổ chức Việt Nam và quốc tế;
  • Tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
  • Dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.
  • Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;
  • Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.
5: Cần lưu ý điều gì khi lựa chọn hoặc tạo dựng nhãn hiệu?

Việc lựa chọn và tạo dựng một nhãn hiệu phù hợp là công việc vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề tiên quyết sau đây:

  • Nhãn hiệu phải thỏa mãn các điều kiện pháp lý để được đăng ký bảo hộ, không xâm phạm quyền đối với các đối tượng SHTT của người khác;
  • Đảm bảo từ ngữ dễ đọc, dễ viết, dễ phát âm, dễ nhớ, và tạo được ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng khi tiếp xúc;
  • Phù hợp với chiến lược kinh doanh, quảng bá trên tất cả các phương tiện truyền thông của doanh nghiệp.
6: Thời gian đăng ký nhãn hiệu thông thường là bao lâu? Chi phí trung bình để có được đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam là bao nhiêu?
  • Thông thường thời gian đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam khoảng từ 18-24 tháng. Lệ phí quốc gia tối thiểu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam cho một nhóm hàng hóa/ dịch vụ là 1.000.000 đồng.

7: Đăng ký Nhãn hiệu như thế nào và ở đâu?

Chủ sở hữu có thể đăng ký Nhãn hiệu trực tiếp tại Cục sở hữu trí tuệ, thủ tục đăng ký như sau:

Tài liệu tối thiểu

  • 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu tải tại đây;
  • 05 Mẫu Nhãn hiệu (Lưu ý: Đối với nhãn hiệu ba chiều phải kèm theo ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh và Mẫu nhãn hiệu âm thanh là tệp âm thanh định dạng kỹ thuật số và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh);
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Trường hợp đơn đăng ký Nhãn hiệu là Nhãn hiệu tập thể hoặc Nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu tối thiểu nêu trên, đơn đăng ký cần phải có thêm các tài liệu sau:

  • Quy chế sử dụng Nhãn hiệu tập thể hoặc Nhãn hiệu chứng nhận;
  • Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang Nhãn hiệu;
  • Bản đồ khu vực địa lý (nếu Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc Nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
  • Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký Nhãn hiệu (nếu Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương)

Các tài liệu khác (nếu có)

  • Giấy ủy quyền theo mẫu INVESTIP (nếu nộp đơn đăng ký thông qua INVESTIP);
  • Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu Nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có chứa các biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế…);
  • Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;
  • Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

Quy trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu

Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký Nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:

  • Thẩm định hình thức: Trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn hợp lệ, nếu hồ sơ đăng ký đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Quyết định chấp nhận hợp lệ.
  • Công bố đơn: Trong vòng 02 tháng kể từ ngày hồ sơ đơn được chấp nhận hợp lệ, thông tin về Nhãn hiệu sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ.
  • Thẩm định nội dung: Trong thời gian 09(*) tháng kể từ ngày Nhãn hiệu được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, đơn đăng ký Nhãn hiệu sẽ được thẩm định nội dung tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp Nhãn hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có Thông báo về dự định cấp bằng để chủ đơn nộp các khoản phí, lệ phí cho việc cấp văn bằng bảo hộ.

(*) Thời hạn có thể thay đổi tùy theo tình hình thẩm định thực tế tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Hình thức nộp đơn

Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc nộp đơn trực tuyến trực tiếp với Cục Sở hữu trí tuệ hoặc thông qua đại diện sở hữu công nghiệp là INVESTIP:

a. Nộp đơn giấy

Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký Nhãn hiệu qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô-tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.

b. Nộp đơn trực tuyến

  • Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
  • Trình tự nộp đơn trực tuyến: Khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống; trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, đến trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến, bản gốc tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định.

c. Nộp đơn qua dịch vụ của INVESTIP

Khách hàng cung cấp các thông tin về nhãn hiệu và hoạt động kinh doanh. INVESTIP sẽ tư vấn và thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết liên quan đến công việc nộp đơn.

8: Vì sao nên chọn đăng ký Nhãn hiệu thông qua INVESTIP?

INVESTIP hiện có trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, có đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý và tư vấn viên giàu kinh nghiệm có thể hỗ trợ và cung cấp mọi dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng tới Quý khách hàng.

INVESTIP sẽ giúp khách hàng tối đa hóa chi phí trong việc tư vấn và đánh giá khả năng đăng ký của nhãn hiệu, đề xuất danh mục sản phẩm/dịch vụ hợp lệ, soạn thảo hồ sơ và tiến hành thủ tục nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Trong trường hợp đơn gặp trở ngại trong quá trình đăng ký, INVESTIP sẽ thay mặt khách hàng làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ và soạn thảo hồ sơ trả lời các thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ trong suốt quá trình thẩm định để có thể đăng ký thành công nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, với phần mềm độc quyền và chuyên biệt để cập nhật và quản lý hồ sơ khách hàng, INVESTIP sẽ theo dõi và thông báo tới khách hàng khi gần đến thời hạn gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và thay mặt khách hàng tiến các công việc cần thiết để gia hạn hiệu lực Văn bằng tại Cục Sở hữu trí tuệ.