Tài sản trí tuệ là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Có những tài sản trí tuệ mang giá trị rất lớn, thậm chí lớn hơn rất nhiều giá trị hữu hình của doanh nghiệp. Vì vậy, định giá tài sản trí tuệ là việc làm hết sức quan trọng, giúp doanh nghiệp biết được giá trị tài sản trí tuệ của mình, từ đó có những quyết sách, chiến lược và kế hoạch kinh doanh phù hợp.
1. Thẩm định giá tài sản trí tuệ là gì?
Thẩm định giá tài sản trí tuệ là quá trình xác định giá trị bằng tiền của các quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định, theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Việc thẩm định giá tài sản trí tuệ thường do các thẩm định viên về giá thực hiện.
2. Trường hợp cần định giá tài sản trí tuệ?
Quyền sở hữu trí tuệ được định giá trong các trường hợp sau:
- Kiểm kê và quản lý nội bộ tài sản trí tuệ
- Cần thu hút các nhà đầu tư và chứng minh giá trị của doanh nghiệp
- Góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu trí tuệ hoặc tham gia vào việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, thoái vốn, mua bán cổ phần hoặc phần vốn góp tại doanh nghiệp
- Sử dụng quyền sở hữu trí tuệ làm tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng
- Chuyển nhượng hoặc li-xăng quyền sở hữu trí tuệ
- Tham gia vào một tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và cần phải đánh giá mức độ thiệt hại
- Tính giá trị của các tài sản sở hữu trí tuệ để thanh lý trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản
- Làm báo cáo tài chính và thuế
3. Hồ sơ về định giá tài sản trí tuệ
Hồ sơ cần chuẩn bị cho việc thầm định giá quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Giấy yêu cầu thẩm định giá
- Văn bằng bảo hộ đối với các quyền sở hữu trí tuệ được xác lập trên cơ sở đăng ký hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu đối với các loại quyền sở hữu trí tuệ khác
- Các tài liệu khác có liên quan đến đối tượng thẩm định giá (tài liệu kỹ thuật, tài liệu về chi phí nghiên cứu,…)
4. Phương pháp định giá tài sản trí tuệ
Giá trị của tài sản trí tuệ dựa trên lợi nhuận hiện tại và lợi nhuận trong tương lai, vì vậy việc xác định giá trị của tài sản trí tuệ khó khăn và phức tạp hơn so với các dạng tài sản vô hình khác. Căn cứ vào loại tài sản sở hữu trí tuệ cần thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá, các thông tin và số liệu về tài sản cần thẩm định giá có thể thu thập được, thẩm định viên sẽ lựa chọn cách tiếp cận thẩm định giá phù hợp.
Dưới đây là một số phương pháp có thể được sử dụng:
4.1. Phương pháp dựa trên chi phí
Đây là phương pháp định giá dựa trên cơ sở chi phí tạo ra một tài sản trí tuệ tương tự tài sản cần định giá để ước tính giá trị thị trường của tài sản cần định giá.
Đối với phương pháp này có hai cách để tính tổng chi phí tạo ra sản phẩm sở hữu trí tuệ:
Cách 1: Dựa trên giá trị theo chi phí quá khức (tức là xác định và tổng hợp các chi phí quá khứ đã phát sinh trong quá trình tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ).
Cách 2: Dựa trên chi phí thay thế (tức là xác định và tổng hợp các chi phí cần thiết để tạo ra một tài sản trí tuệ có khả năng đem lại lợi nhuận trong tương lai giống như tài sản đang được định giá).
4.2. Phương pháp tiếp cận từ thu nhập
Phương pháp tiếp cận từ thu nhập tập trung vào nguồn thu nhập ước tính mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ mong muốn nhận được từ tài sản trí tuệ trong thời gian hiệu lực của quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, phương pháp này sử dụng khấu hao nguồn tiền mặt để tạo ra giá trị hiện tại cho nguồn thu nhập tương lai. Có thể ước tính được nguồn thu nhập khi nhìn vào số tiền mà doanh nghiệp thu được từ phí li-xăng nếu doanh nghiệp li-xăng một quyền sở hữu trí tuệ cụ thể. Nhược điểm cơ bản của phương pháp này là nó quá phức tạp. Biến thể chính của phương pháp này là phương pháp giảm trừ phí li-xăng.
4.3. Phương pháp giảm trừ phí li-xăng
Với phương pháp giảm trừ phí li-xăng, mức phí sẽ được tính nhằm ước tính nguồn tiền mặt/lợi nhuận dự kiến hoặc vốn hóa lợi nhuận/nguồn tiền mặt trung bình. Tỷ lệ phí có thể được xác định bằng cách sử dụng các tỷ lệ hiện có trong các loại hợp đồng (li-xăng) tương tự hoặc các dữ liệu hiện có từ bảng phí chuẩn.
4.4. Phương pháp tiếp cận theo thị trường
Đây là phương pháp định giá dựa trên cơ sở phân tích mức giá của các tài sản trí tuệ tương tự với tài sản cần định giá đã giao dịch thành công hoặc đang mua, bán trên thị trường vào thời điểm định giá hoặc gần với thời điểm định giá để ước tính giá trị thị trường của tài sản cần định giá. Áp dụng phương pháp này sẽ rất tốt nhưng nó không thực thi trong điều kiện Việt Nam vì các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm các giao dịch tài sản trí tuệ tương tự trên thị trường. Đối với phương pháp này có hai cách định giá sau:
Cách 1: Định giá tài sản trí tuệ dựa trên sự so sánh các mức giá đạt được trong các giao dịch tương đương giữa các bên độc lập trên thị trường. Muốn làm được điều này đòi hỏi phải đạt được những điều kiện nhất định như có thị trường tích cực và công khai, có sẵn các chỉ số và cả tình huống phù hợp để so sánh, đồng thời cũng cần có những nguồn thông tin để đối chiếu, cụ thể là những giao dịch liên quan đối tượng tương đương cùng mức giá, lợi nhuận để so sánh.
Cách 2: Dựa trên giá trị của tài sản doanh nghiệp được công bố trên thị trường. Điều kiện áp dụng đó là doanh nghiệp phải có quyết toán tài chính công khai và minh bạch, tài sản trí tuệ phải tồn tại độc lập với những tài sản khác trong doanh nghiệp.
Ngoài các phương pháp trên còn có một số phương pháp khác kết hợp các phương pháp nên trên như:
– Phương pháp lợi nhuận vượt trội;
– Phương pháp định giá cao;
– Phương pháp tiết kiệm chi phí;
– Phương pháp tiết kiệm phí bản quyền.
Tùy vào từng mục đích, tính chất, đặc điểm của tài sản trí tuệ cần định giá cũng như thị trường mà người định giá có thể lựa chọn một trong những phương pháp định giá nêu trên cho phù hợp để áp dụng, đồng thời cũng có thể kết hợp các phương pháp định giá này để kiểm tra, so sánh, đối chiếu để có thể định giá được mức giá phù hợp.
Trên đây là những chia sẻ của INVESTIP về các nội dung liên quan đến định giá tài sản trí tuệ. Nếu quý khách hàng có những câu hỏi cần giải đáp và tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ một cách nhanh nhất.