Ngày 16/6/2022 Quốc hội ban hành Luật (Luật số 07/2022/QH15) sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14.
Hiệu lực thi hành chung của Luật số 07 tại Điều 3 như sau:
“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 01 năm 2022.
3. Quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 01 năm 2024.”
Như vậy có thể thấy hầu hết các quy định của Luật số 07 sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Trong khi đó, có một số ngoại lệ tại khoản 2 và 3 trên đây luật sẽ có hiệu lực sớm hơn – từ ngày 14/01/2022 đối với nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh và có hiệu lực muộn hơn – từ ngày 14/01/2024 đối với dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm nhằm phù hợp và tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Mặc dù quy định về hiệu lực thi hành của Luật số 07 trên đây là khá rõ ràng với chỉ ba điều khoản ngắn ngọn, song trên thực tế sẽ còn có rất nhiều trường hợp ngoại lệ có thời gian và điều kiện cụ thể được áp dụng pháp luật khác nhau được đề cập đến tại Điều 4 về quy định chuyển tiếp.
Các trường hợp áp dụng cụ thể – Điều 4 của Luật số 07
- Thứ nhất, “1. Quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu còn thời hạn bảo hộ thì tiếp tục được bảo hộ theo quy định của Luật này.”
Như vậy, kể từ ngày Luật số 07 bắt đầu có hiệu lực thi hành – ngày 01/01/2023, quyền tác giả, quyền liên quan (được bảo hộ từ trước ngày 01/01/2023) nếu còn thời hạn bảo hộ sau ngày 01/01/2023 thì tiếp tục được bảo hộ theo quy định của Luật số 07.
- Thứ hai, “2. Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn.”
Điều này có nghĩa là kể từ ngày Luật số 07 bắt đầu có hiệu lực thi hành – ngày 01/01/2023, đối với các đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày 01/01/2023, (nhưng chưa xử lý xong) sẽ vẫn tiếp tục được xử lý theo quy định của pháp luật có hiệu lực áp dụng tại thời điểm nộp đơn.
Kể từ ngày Luật số 07 bắt đầu có hiệu lực thi hành – ngày 01/01/2023, đối với đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được nộp (nộp mới) cho cơ quan có thẩm quyền sẽ được xử lý theo quy định của Luật số 07.
- Thứ ba,“3. Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn, trừ các trường hợp sau đây:
a) Quy định tại khoản 13 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo điểm b khoản 1 Điều 1 của Luật này được áp dụng cho các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 nhưng chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
b) Quy định tại điểm e và điểm h khoản 2 Điều 74, điểm e khoản 1 Điều 106, điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo điểm b và điểm c khoản 22, khoản 35 và điểm b khoản 42 Điều 1 của Luật này được áp dụng cho các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
c) Việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 89a được bổ sung theo khoản 27 Điều 1 của Luật này;
d) Quy định tại Điều 118 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 43 Điều 1 của Luật này được áp dụng cho các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa có thông báo kết quả thẩm định nội dung trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.”
Theo quy định trên thì về nguyên tắc các đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày Luật số 07 bắt đầu có hiệu lực thi hành – ngày 01/01/2023, sẽ được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn.
Một số trường hợp ngoại lệ đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày Luật số 07 bắt đầu có hiệu lực thi hành – ngày 01/01/2023, sẽ được áp dụng quy định của Luật số 07 kể từ ngày 01/01/2023, đó là:
Trường hợp 1: các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 nhưng chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ tính đến ngày 31/12/2022 theo quy định tại khoản 13 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo điểm b khoản 1 Điều 1 Luật số 07.
Trường hợp 2: đơn đăng ký nhãn hiệu bị dự định từ chối theo quy định tại điểm e và điểm h khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi theo điểm b và điểm c khoản 22 Điều 1 của Luật số 07 mà chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ tính đến ngày 31/12/2022.
Trường hợp 3: đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng âm theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 106 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi theo khoản 35 Điều 1 của Luật số 07 mà chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ tính đến ngày 31/12/2022.
Trường hợp 4: Tạm dừng quy trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo điểm b khoản 42 Điều 1 của Luật số 07 trong trường hợp đơn chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ tính đến ngày 31/12/2022.
Trường hợp 5: Việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ tính đến ngày 31/12/2022 được thực hiện theo quy định tại Điều 89a được bổ sung theo khoản 27 Điều 1 của Luật số 07.
Trường hợp 6: Thủ tục ra thông báo cấp, ra quyết định cấp và đăng bạ được áp dụng cho các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa có thông báo kết quả thẩm định nội dung tính đến ngày 31/12/2022 theo quy định tại Điều 118 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 43 Điều 1 của Luật số 07.
- Thứ tư, “4. Quy định tại các điều 86, 86a, 133a, 135, 136a, 139, 164, 191, 191a, 191b và 194 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo các khoản 25, 52, 53, 54, 55, 66, 74 và 75 Điều 1 của Luật này đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.”
- Thứ năm, “5. Quyền và nghĩa vụ đối với kiểu dáng công nghiệp là bộ phận của sản phẩm lắp ráp thành sản phẩm phức hợp theo văn bằng bảo hộ đã được cấp trên cơ sở đơn đăng ký trước ngày 01 tháng 8 năm 2020 được áp dụng theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được áp dụng theo quy định của pháp luật có hiệu lực đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ đó.”
- Thứ sáu, “7. Đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn. Cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hành nghề theo Chứng chỉ đã được cấp.”
- Thứ bảy, “8. Các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết xong thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 để giải quyết.”
Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành hành số 07/2022 có tuổi đời trên 15 năm từ khi lần đầu được đưa vào thi hành và áp dụng trong thực tiễn năm 2006, đã trải qua ba lần sửa đổi bổ sung. Có thể nhận thấy rằng để hiểu và áp dụng pháp luật đúng về thời gian có hiệu lực thi hành, về điều kiện được áp dụng, về đối tượng được áp dụng …theo quy định của Luật số 07 là điều không hề dễ dàng, tiềm ẩn khả năng bị áp dụng sai hoặc không nhất quán.
Về lý thuyết, chúng ta cần xem xét thận trọng và dẫn chiếu đồng thời nhiều các quy định, bao gồm quy định về thời gian bắt đầu có hiệu lực thi hành chung theo Điều 3, các quy định chuyển tiếp tại Điều 4 của Luật số 07 và các quy định tương ứng của pháp luật sở hữu trí tuệ được áp dụng trước thời điểm Luật số 07 bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Trần Thanh Bình
Phòng Thực thi quyền