Ngày 14/9, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Chi nhánh Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp INVESTIP tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm tôm của tỉnh Bình Thuận”.
Mục tiêu chung của Hội nghị là xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Bình Thuận” cho sản phẩm tôm (bao gồm tôm giống Thẻ chân trắng và tôm thương phẩm Thẻ chân trắng) của tỉnh Bình Thuận nhằm nâng cao giá trị, bảo vệ và phát triển danh tiếng của sản phẩm cũng như danh tiếng của địa phương trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Tại tỉnh Bình Thuận, nghề sản xuất tôm giống Bình Thuận đã được bắt đầu từ những năm 1985 và đến nay toàn tỉnh có 148 doanh nghiệp, cơ sở với 730 trại sản xuất tôm giống. Sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ năm 2020 đạt 25.3 tỷ con post/148 cơ sở và chiếm 20% sản lượng tôm giống của cả nước. Theo đó, nhiều cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, quy trình kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong sản xuất tôm giống như BAP; ISO 9001- 2015, GlobalGAP và VietGap… Tôm giống Bình Thuận cũng đã được xác định là sản phẩm lợi thế phục vụ mục tiêu chiến lược về phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 79 ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Mai Thanh Nga – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định: Việc bảo hộ dưới hình thức CDĐL sẽ tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng sản phẩm Tôm Bình Thuận ngày một tốt hơn, chỉ những sản phẩm tôm có chất lượng tốt, mang những đặc trưng của vùng đất Bình Thuận mới được mang thương hiệu Tôm Bình Thuận. Đồng thời, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nuôi và kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được hưởng lợi nhiều hơn từ giá trị thương hiệu Tôm Bình Thuận. Thêm vào đó, Bình Thuận vừa là tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, kết hợp với việc sản phẩm tôm Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức CDĐL không những tạo nên danh tiếng, nâng cao giá trị của sản phẩm tôm, mà còn thu hút đầu tư và quảng bá phát triển dịch vụ du lịch cho Bình Thuận. Do đó, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Bình Thuận” cho sản phẩm tôm của tỉnh Bình Thuận là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Đại diện Chi nhánh Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp INVESTIP thông tin về nhiệm vụ
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Hiệp Hội Tôm Bình Thuận trình bày những thuận lợi và khó khăn của ngành tôm Bình Thuận; đại diện Chi nhánh Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp INVESTIP thông tin về nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển CDĐL cho sản phẩm tôm của tỉnh Bình Thuận… Đây cũng là dịp để các cán bộ chuyên môn, các sở, ngành thảo luận, đề xuất các giải pháp để triển khai nhiệm vụ CDĐL tôm Bình Thuận một cách có hiệu quả nhằm nâng cao giá trị, bảo vệ và phát triển danh tiếng của sản phẩm cũng như danh tiếng của địa phương trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Phạm Huệ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận