Nhà rường Huế là một trong những kiến trúc độc đáo của vùng đất Cố đô Huế, đây là công trình kiến trúc được đánh giá cao về mặt văn hóa, lịch sử và mỹ thuật. Tuy nhiên, dưới tác động của thời gian, thiên tai, tình trạng đô thị hoá cũng như những xu phát triển tự phát trong việc biến đổi Nhà rường để phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới, đã dẫn đến một số lượng lớn Nhà rường Huế bị xuống cấp, biến dạng và bê tông hóa. Do đó, việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Nhà rường Huế” là một việc làm rất cần thiết góp phần nâng cao giá trị, bảo tồn và phát triển danh tiếng các sản phẩm và thương hiệu “Nhà rường Huế” trên thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chiều ngày 25/7/2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án KHCN cấp tỉnh “Xây dựng, quản lý và phát triển NHCN “Nhà rường Huế” cho sản phẩm Nhà rường của tỉnh Thừa Thiên Huế”. Theo đó, đơn vị tham gia dự tuyển là Công ty Cổ phần Sở hữu Công nghiệp Investip.
TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội nghị
Mục tiêu của Dự án nhằm: (1) Xác định được giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch và thực trạng khai thác thương mại sản phẩm Nhà rường Huế. (2) Xác lập được quyền sở hữu công nghiệp cho điểm đến du lịch “Nhà rường Huế” dưới hình thức NHCN. (3) Xây dựng được hệ thống văn bản, công cụ quản lý, khai thác, phát triển sản phẩm “Nhà rường Huế”. (4) Mô hình tổ chức quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm, dịch vụ mang NHCN được thiết lập và triển khai vận hành trên thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về nội dung thực hiện của Dự án gồm: 1: Xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ NHCN “Nhà rường Huế” gồm các hoạt động: (1) Tổ chức hội nghị triển khai dự án và xin ý kiến về chủ sở hữu NHCN “Nhà rường Huế”. (2) Điều tra, khảo sát nhằm xác định được giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch và thực trạng khai thác thương mại sản phẩm Nhà rường Huế. (3) Xây dựng bộ tiêu chí chứng nhận, quy chế sử dụng, bản mô tả sản phẩm, dịch vụ, bản đồ khu vực địa lý, thiết kế mẫu NHCN “Nhà rường Huế”. (4) Nộp hồ sơ đăng ký NHCN “Nhà rường Huế”. 2: Xây dựng hệ thống văn bản quản lý, sử dụng và công cụ quảng bá NHCN “Nhà rường Huế” gồm các hoạt động: (1) Xây dựng bộ công cụ quản lý, khai thác NHCN “Nhà rường Huế”. (2) Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ mang NHCN “Nhà rường Huế”. (3) Xây dựng phóng sự quảng bá NHCN “Nhà rường Huế”. (4) Thiết kế cẩm nang giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ mang NHCN “Nhà rường Huế”. (5) In ấn các sản phẩm tuyên truyền, quảng bá NHCN “Nhà rường Huế”. (6) Xây dựng mã QR code cho các điểm đến du lịch Nhà rường Huế. (7) Hội thảo thống nhất các văn bản quản lý và công cụ quảng bá NHCN “Nhà rường Huế”. 3: Triển khai mô hình tổ chức quản lý, khai thác NHCN “Nhà rường Huế” gồm các hoạt động: (1) Xây dựng mô hình quản lý NHCN “Nhà rường Huế”; (2) Tổ chức tập huấn cho các chủ thể tham gia mô hình; (3) Triển khai mô hình thí điểm quản lý khai thác NHCN “Nhà rường Huế”. 4: Đánh giá và tổng kết dự án.
Theo đó, sản phẩm của Dự án gồm: (1) Báo cáo thực trạng khai thác giá trị thương mại sản phẩm Nhà rường Huế. (2) Báo cáo về giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch của “Nhà rường Huế”. (3) Bộ hồ sơ đăng ký NHCN cho điểm đến “Nhà rường Huế” được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận và cấp văn bằng bảo hộ. (4) Văn bằng bảo hộ NHCN “Nhà rường Huế”. (5) Hệ thống văn bản về quản lý và sử dụng NHCN cho điểm đến “Nhà rường Huế” được ban hành, gồm: Quy định kiểm soát NHCN “Nhà rường Huế” Quy định cấp và thu hồi quyền sử dụng NHCN “Nhà rường Huế”. Sổ tay hướng dẫn quản lý, sử dụng NHCN “Nhà rường Huế”. (6) Hệ thống nhận diện, công cụ, phương tiện quảng bá, phát triển NHCN “Nhà rường Huế”. (7) Mô hình tổ chức quản lý, khai thác NHCN “Nhà rường Huế” đi vào hoạt động trên thực tế có hiệu quả. (8) Phóng sự quảng bá trên đài truyền hình địa phương. (9) Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện dự án. (10) Bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành.
Đại diện Đơn vị chủ trì trình bày thuyết minh tại Hội nghị
Trình bày thuyết minh tại Hội nghị, đại diện phía đơn vị chủ trì đã trình bày tổng quan các thông tin chung về Dự án, mục tiêu, nội dung, phương án triển khai, sản phẩm Dự án cũng như các đề xuất, kiến nghị nếu đơn vị được tuyển chọn.
Tại Hội nghị, Hội đồng tuyển chọn ghi nhận năng lực thực hiện của Đơn vị chủ trì đã thực hiện nhiều Dự án tương tự thành công, về nội dung và phương pháp thực hiện phù hợp với mục tiêu đề ra của Dự án. Đồng thời, Hội đồng đề nghị Đơn vị chủ trì bổ sung và mở rộng đối tượng và phạm vi khảo sát; cập nhật các số liệu thống kê về số lượng Nhà rường Huế. Làm rõ điểm đặc trưng của Nhà rường Huế so với các Nhà rường khác dựa trên các tiêu chí đặc thù về cấu trúc, tiêu chuẩn kỹ thuật, vật liệu, các yếu tố mỹ thuật, văn hoá trong tổng thể Nhà rường Huế. Bổ sung phần đánh giá, phân tích thực trạng Nhà rường hiện có, những khó khăn bất cập, đánh giá khả năng, dự báo nhu cầu phát triển thị trường tiêu thụ của các sản phẩm, dịch vụ Nhà rường Huế. Đồng thời, bổ sung thêm các chuyên gia, thành viên liên quan tham gia thực hiện Dự án.
Cũng tại Hội nghị, Hội đồng đã bỏ phiếu và chấm điểm, theo đó căn cứ kết quả kiểm phiếu hồ sơ dự tuyển được đánh giá đạt với số điểm 78/100.
Quang cảnh buổi Hội nghị
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Đơn vị chủ trì hoàn chỉnh Thuyết minh theo góp ý của các thành viên Hội đồng và lập lại dự toán kinh phí chi tiết theo định mức mới đã ban hành, nộp lại cho Sở KH&CN để triển khai thực hiện.
Kết quả của Dự án sẽ góp phần triển khai thành công Nghị Quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, Nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng như góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm Nhà rường Huế, từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu “Nhà rường Huế” trên thị trường, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội, gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của người Huế.
Kiều Oanh
Nguồn: skhcn.thuathienhue.gov.vn