Nhằm bổ sung các hướng dẫn thẩm định sáng chế liên quan đến chương trình máy tính vào Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế (Quy chế) , Cục sở hữu trí tuệ lần lượt đã ban hành Phụ lục I và Phụ lục II vào các ngày 31/12/2021 và 03/04/2023.
Phụ lục I bổ sung các hướng dẫn để xác định đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế liên quan đến chương trình máy tính, nhằm giải thích rõ hơn quy định tại mục 5.8.2.5 Quy chế. Tổng quan về Phụ lục I được tóm tắt trong các bài viết tại https://investip.vn/vietnam-additional-patent-guidelines-for-inventions-relating-to-computer-programs/ và https://investip.vn/vietnam-patent-guidelines-to-computer-programs.
Phụ lục II cung cấp các hướng dẫn kiểm tra sự bộc lộ đầy đủ về bản chất, xác định các dấu hiệu của đối tượng yêu cầu bảo hộ và đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo của các sáng chế liên quan đến chương trình máy tính, nhằm làm rõ hơn quy định tại Điều 5.7 Quy chế và Chương III Quy chế. Về cơ bản, các nội dung trong Phụ lục II tương tự với các nội dung trong Quy chế thẩm định của Cơ quan sáng chế Châu Âu. Dưới đây là một số nội dung chính của Phụ lục II.
Sự bộc lộ đầy đủ về bản chất của đối tượng được yêu cầu bảo hộ
Sáng chế liên quan đến chương trình máy tính khá phổ biến được mô tả và yêu cầu bảo hộ thông qua các dấu hiệu chức năng. Trong trường hợp này, để xác định xem các yêu cầu quy định tại Điều 5.7.2 Quy chế có được đáp ứng đầy đủ hay không thì cần xác định việc thực hiện hay ứng dụng chức năng như vậy có được bộc lộ trong bản mô tả và/hoặc thuộc phạm vi kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực tại thời điểm nộp đơn hay không.
Ví dụ, đối tượng yêu cầu bảo hộ là thiết bị phát bao gồm phương tiện dồn kênh phân tần trực giao, trong trường hợp này chức năng dồn kênh phân tần trực giao có thể được thực hiện bởi phần cứng và/hoặc kết hợp của phần cứng và phần mềm được coi là thuộc phạm vi kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực xử lý và truyền tín hiệu, do đó bản mô tả có thể không cần bộc lộ cách thức cụ thể để thực hiện chức năng này.
Phụ lục II nêu ra một số ví dụ minh họa cách thức đánh giá sự bộc lộ đầy đủ về bản chất của đối tượng yêu cầu bảo hộ.
Xác định dấu hiệu của đối tượng yêu cầu bảo hộ
Đối tượng yêu cầu bảo hộ được xác định bởi tập hợp các dấu hiệu trong yêu cầu bảo hộ. Khi xem xét các dấu hiệu, bên cạnh việc đánh giá xem các yêu cầu về sự bộc lộ đầy đủ về bản chất của đối tượng có được đáp ứng hay không, trong một số tình huống cần lưu ý phân tích rõ cách thức thực hiện để xác định một cách đầy đủ và chính xác các dấu hiệu của đối tượng yêu cầu bảo hộ.
Trong trường hợp một hệ thống/thiết bị được tạo thành bởi sự kết hợp của hai hoặc nhiều hệ thống/thiết bị hoặc một quy trình được tạo thành bởi sự kết hợp của hai hoặc nhiều quy trình thành phần thì mỗi hệ thống/thiết bị hoặc quy trình thành phần có thể được gọi là một tổ hợp con hợp thành hệ thống/thiết bị hoặc quy trình tổng thể. Ví dụ hệ thống ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) thường bao gồm một số thiết bị được kết nối với nhau thông qua mạng internet và trong đó một hoặc một vài thiết bị sẽ là một tổ hợp con của cả hệ thống.
Do có mối liên hệ giữa các tổ hợp con để tạo thành một tổng thể nên trong nhiều trường hợp, một yếu tố của tổ hợp con này có thể được thể hiện thông qua các yêu tố của tổ hợp con khác. Vì vậy, trong trường hợp một đối tượng yêu cầu bảo hộ liên quan đến một tổ hợp con thì để xác định chính xác các dấu hiệu kỹ thuật của đối tượng này cần phải xem xét cả những yếu tố có mối liên hệ tương ứng của các tổ hợp con khác theo các khía cạnh hình dạng, đặc tính, kết cấu, hoạt động, chức năng, v.v. trên cơ sở các nội dung được bộc lộ và kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tại thời điểm nộp đơn.
Phụ lục II cũng nêu ra các ví dụ minh họa cho các trường hợp trong đó các yếu tố liên quan đến tổ hợp con khác có hoặc không có vai trò xác định cấu trúc và/hoặc chức năng của tổ hợp con yêu cầu bảo hộ.
Đánh giá tính mới, trình độ sáng tạo của sáng chế có sự kết hợp của các dấu hiệu kỹ thuật và phi kỹ thuật
Phụ lục II hướng dẫn khi đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo của một sáng chế trong đó có sự kết hợp của các dấu hiệu kỹ thuật và phi kỹ thuật, tất cả các dấu hiệu góp phần tạo nên đặc tính kỹ thuật của sáng chế đều phải được tính đến. Các dấu hiệu như vậy cũng bao gồm cả các dấu hiệu mà khi xét riêng rẽ là phi kỹ thuật, nhưng trong ngữ cảnh của sáng chế, có đóng góp tạo ra hiệu quả kỹ thuật phục vụ một mục đích kỹ thuật, do vậy góp phần tạo nên đặc tính kỹ thuật của sáng chế. Tuy nhiên, các dấu hiệu không đóng góp vào đặc tính kỹ thuật của sáng chế thì cũng không giúp đem lại tính mới và trình độ sáng tạo.
Như vậy trong quá trình đánh giá một đối tượng mà có sự kết hợp của các dấu hiệu kỹ thuật và phi kỹ thuật, đầu tiên cần phân tích được phần được xác định bởi các dấu hiệu phi kỹ thuật không đóng góp để tạo nên đặc tính kỹ thuật do đó không đem lại tính mới và trình độ sáng tạo của sáng chế.
Tiếp theo, đối tượng yêu cầu bảo hộ sẽ được đánh giá để xác định xem có khác so với tài liệu đối chứng gần nhất hay không. Ngay cả khi đối tượng yêu cầu bảo hộ có các dấu hiệu khác với tài liệu đối chứng gần nhất nhưng các dấu hiệu này là các dấu hiệu không góp phần tạo nên đặc tính kỹ thuật của sáng chế thì đối tượng yêu cầu bảo hộ vẫn được đánh giá là không mới.
Trong trường hợp đối tượng yêu cầu bảo hộ có các dấu hiệu kỹ thuật không được bộc lộ trong tài liệu đối chứng gần nhất, đối tượng yêu cầu bảo hộ sẽ được đánh giá là đáp ứng tính mới và ở bước tiếp theo cần xác định xem các dấu hiệu đó có được coi là hiển nhiên đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực hay không để đưa ra kết luận về trình độ sáng tạo.
Tương tự, Phụ lục II cũng nêu ra các ví dụ minh họa cách thức các bước nêu trên được thực hiện để đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo của đối tượng yêu cầu bảo hộ.
Trước thời điểm Phụ lục II được ban hành, việc đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo của các sáng chế liên quan đến chương trình máy tính gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi bộ yêu cầu bảo hộ có chứa các dấu hiệu phi kỹ thuật. Phụ lục II với các hướng dẫn, giải thích và ví dụ minh họa cụ thể đã làm rõ hơn các quy định trong Quy chế, từ đó giúp việc thẩm định các sáng chế này trở nên thuận lợi hơn. Vui lòng liên hệ với chúng tôi tại patent@investip.vn để được hỗ trợ.
Đào Thu Trang, Đinh Thị Thùy Trang và Đặng Anh Minh
Phòng Sáng chế