Ngày 24 tháng 02 năm 2023, Cục sở hữu trí tuệ (CSHTT) đã ban hành quyết định hủy bỏ hiệu lực đối với Bằng độc quyền sáng chế (BĐQSC) số 21899 cấp ngày 03 tháng 09 năm 2019 do không có cơ sở xác minh một trong các tác giả sáng chế đã chuyển nhượng quyền nộp đơn cho chủ đơn (cũng là tác giả còn lại).
Theo vụ việc, ông Nguyễn Văn Chánh và ông Nguyễn Văn Lượng được ghi nhận trên BĐQSC là đồng tác giả và ông Nguyễn Văn Chánh là chủ sở hữu BĐQSC. Theo đó, ông Nguyễn Văn Chánh vừa là tác giả vừa là chủ sở hữu BĐQSC.
Vụ việc phát sinh khi ông Nguyễn Văn Lượng nộp đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực BĐQSC với lý do ông Nguyễn Văn Chánh không có quyền nộp đơn (một trong những căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ làm mất hiệu lực bằng độc quyền sáng chế). CSHTT đã thông báo cho ông Nguyễn Văn Chánh về đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực này và ông Nguyễn Văn Chánh đã đưa ra ý kiến phản đối đơn yêu cầu này của ông Nguyễn Văn Lượng.
Ý kiến phản đối nộp vào CSHTT của ông Nguyễn Văn Chánh và ông Nguyễn Văn Lượng cho thấy điểm chung là hai người bạn của nhau và đã thảo luận với nhau về sáng chế “Nhà quay 360 độ trong bể nước và phương pháp thi công nhà quay 360 độ trong bể nước” – là giải pháp kỹ thuật đã được cấp BĐQSC trong vụ việc. Tuy nhiên, câu chuyện về thỏa thuận tại thời điểm nộp đơn sáng chế lại hoàn toàn khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Lượng cho biết ông Nguyễn Văn Chánh sau khi được ông Nguyễn Văn Lượng chia sẻ về giải pháp kỹ thuật do ông Nguyễn Văn Lượng tự tìm tòi, nghiên cứu và đầu tư để tạo ra và nhờ ông Nguyễn Văn Chánh làm thủ tục đăng ký sáng chế, ông Nguyễn Văn Chánh đã tự ý để tên mình là người nộp đơn và chỉ để tên ông Nguyễn Văn Lượng là đồng tác giả sáng chế với mình. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Chánh, giải pháp kỹ thuật được cấp BĐQSC là do ông Nguyễn Văn Chánh tự nghiên cứu và phát triển dựa trên giải pháp của ông Nguyễn Văn Lượng và có sự cải tiến vượt trội, đồng thời ông Nguyễn Văn Lượng chưa bao giờ nhờ ông Nguyễn Văn Chánh làm thủ tục đăng ký sáng chế. Cũng theo ông Nguyễn Văn Chánh, hai người đã thống nhất về việc đề tên ông Nguyễn Văn Lượng là đồng tác giả sáng chế để cùng hưởng quyền lợi tác giả do hai ông là bạn của nhau và ông Nguyễn Văn Lượng cũng có giải pháp tương tự.
Với hai ý kiến đối lập như trên, CSHTT đã giải quyết trường hợp này theo Quyết định số 3612w/QĐ-SHTT ngày 24/02/2023 về việc giải quyết đề nghị hủy bỏ hiệu lực của ông Nguyễn Văn Lượng dựa vào các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
Theo Điều 86.1 của Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực tại thời điểm cấp bằng) quy định tổ chức cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
(a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
(b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trong vụ việc này, ông Nguyễn Văn Chánh và ông Nguyễn Văn Lượng được ghi nhận là đồng tác giả của BĐQSC. Để chứng minh rằng họ là tác giả có quyền nộp đơn thì:
– Theo Điều 86.1(a) ở trên, họ cần chứng minh rằng sáng chế được tạo ra bởi sức lao động của chính họ và bằng chi phí của họ, hoặc
– Theo Điều 86.1(b) ở trên, họ cần chứng minh rằng họ đã có một thỏa thuận theo Điều này cho thấy rằng họ có quyền nộp đơn.
Do cả hai tác giả đều không chứng minh được điều này nên CSHTT cho rằng hai tác giả đều có chung quyền nộp đơn. Khi cả hai tác giả đều có chung quyền nộp đơn thì chủ sở hữu BĐQSC (một trong hai tác giả) cần chứng minh rằng tác giả kia đã chuyển giao quyền nộp đơn chung cho tác giả còn lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chánh và ông Nguyễn Văn Lượng đã không chứng minh được điều này. Do đó, CSHTT kết luận rằng ông Nguyễn Văn Chánh – chủ sở hữu BĐQSC không có quyền nộp đơn và ban hành Quyết định hủy bỏ hiệu lực BĐQSC số 21899, cấp ngày 03 tháng 09 năm 2019 cho ông Nguyễn Văn Chánh theo đề nghị của ông Nguyễn Văn Lượng.
Nguyễn Minh Phương và Đinh Thị Thùy Trang
Phòng Sáng chế