Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng khi mua bánh trung thu cần lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có tên của nhà sản xuất.
Bánh trung thu kém chất lượng đổ bộ thị trường
Chỉ còn hơn một tháng nữa là chính thức đến Tết trung thu, tận dụng thời điểm này, nhiều hộ kinh doanh tìm đủ mọi cách vận chuyển tiêu thụ bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời.
Ngày 6/7 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 24, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ hơn 5.000 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ lô hàng là bà Phan Thị Hoài (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết số hàng hóa này được bà mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời.
Tương tự, ngày 8-7, đội QLTT số 1, Cục QLTT Tây Ninh cũng phát hiện 82 cái bánh trung thu và 410 cái bánh bông lan các loại không nhãn hiệu, không có địa chỉ nơi sản xuất. Chủ hộ kinh doanh là Phạm Văn Thanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định.
Đặc biệt xu hướng mua hàng trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các trang mạng xã hội ngày càng phổ biến, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức mua bán này để kinh doanh các loại bánh trung thu không có nguồn gốc rõ ràng, chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Những khuyến cáo khi mua bánh trung thu trên mạng
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường ngày càng nhiều, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyên cáo:
- Khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản,… Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
- Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế,…); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, Thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
- Nếu mua hàng qua các trang mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.