Luật sở hữu trí tuệ ( Intellectual Property Laws) Hoa Kỳ phần I: Thương hiệu (Trademark) – Kỳ 1


Quy định về luật sở hữu trí tuệ (SHTT) theo luật pháp Hoa Kỳ là một trong những lĩnh vực phức tạp và khó hiểu nhất đối với người mới tìm hiểu về lĩnh vực này. Vì vậy, để có thể hiểu rõ và vận dụng được các quy định của luật sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ, thì phương pháp tiếp cận khôn ngoan nhất vẫn là bắt đầu tìm hiểu các định nghĩa được sử dụng trong lĩnh vực này.

Hiện nay, trước xu hướng hội nhập, nhất là mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Mỹ – Việt, thì doanh nghiệp Việt càng có nhiều cơ hội đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, đưa hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mình vào Mỹ và ra quốc tế, thì vấn đề bảo hộ thương hiệu (trademark) phải là sự quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Vậy nên, doanh nghiệp Việt cần thiết phải tìm hiểu, nghiên cứu trước về luật sở hữu trí tuệ của Mỹ và quốc tế.

Trong phạm vi phần này, FLAT WORLD sẽ tóm lược và phân tích các định nghĩa về thương hiệu (Trademark).

 Abandonment of mark (Từ bỏ thương hiệu):

Là việc người sở hữu thương hiệu của một sản phẩm, dịch vụ mất quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với thương hiệu đó vì không sử dụng hay không tiếp tục sử dụng nó trong một khoảng thời gian, thường là từ 3 năm trở lên. Trong những trường hợp như vậy, thì có thể kết luận là người chủ có ý định từ bỏ quyền SHTT đối với thương hiệu đó. Do vậy, bất cứ ai cũng có thể sử dụng và nộp đơn đăng ký SHTT đối với thương hiệu này. Vậy nên, doanh nghiệp Việt cần lưu ý vấn đề này nếu có bán hàng hóa, dịch vụ vào thị trường Mỹ. Trong thực tiễn, đã từng có trường hợp người chủ sở hữu thương hiệu, do tạm ngừng kinh doanh và không sử dụng thương hiệu của sản phẩm trong một thời gian, sau đó kinh doanh trở lại và sử dụng thương hiệu đó, nhưng đã bị người khác khởi kiện vì họ đã sử dụng thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu đó trong khi người chủ sở hữu trước đã không tiếp tục sử dụng.

Tuy nhiên, trong vài trường hợp, tòa án vẫn cho phép người chủ sở hữu thương hiệu trước được nhận lại quyền bảo hộ thương hiệu nếu người này có thể chứng minh thuyết phục được rằng họ bị rơi vào các hoàn cảnh sau đây:
– Gặp khó khăn tạm thời về tài chính nên không thể tiếp tục kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó;
– Đang trong quá trình mở thủ tục phá sản;
– Có nhu cầu nâng cấp, tái cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ.

Tuy vậy, chi phí để theo đuổi vụ kiện loại này thường là rất lớn, thành ra, doanh nghiệp nên tránh để tình trạng “abandonment of mark” xảy ra là các phòng ngừa rủi ro tốt nhất.

Doanh nghiệp Việt cũng cần phân biệt là từ bỏ thương hiệu khác với khái niệm về hủy bỏ việc bảo hộ (cancellation of mark) hay là mất quyền bảo hộ thương hiệu do không gia hạn (failed to renewal of mark).

Abandonment of trademark application (Từ bỏ đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu):

Là việc người đăng ký bảo hộ quyền thương hiệu đã nộp đơn xin bảo hộ thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ đến Văn phòng đăng ký SHTT (USPTO) nhưng nộp thiếu phí đăng ký hay là thiếu thông tin, và không gởi bổ sung theo thư yêu cầu của USPTO trong thời hạn quy định.

Thông thường, USPTO sẽ ban hành một thư lưu ý người đăng ký về việc ý định từ bỏ đơn đăng ký, và cho phép một thời hạn, thường là 02 tháng, để người đăng ký nộp thông tin, phí bổ sung. Nếu quá thời hạn này mà người đăng ký không nộp bổ sung, thì đơn đăng ký mới chính thức được xem là từ bỏ, ngoại trừ trường hợp người đăng ký có lý do khách quan chính đáng.

Trong trường hợp người đăng ký quyền bảo hộ với USPTO, đồng thời cũng có gởi đơn đăng ký quyền bảo hộ quốc tế, thì trong trường hợp bị xem là từ bỏ đơn bảo hộ với USPTO, thì cũng đương nhiên được xem là từ bỏ đơn đăng ký bảo hộ quốc tế.

Acceptable Identification of Goods and Services Manual (Bộ Tham chiếu những định dạng được chấp nhận của hàng hóa, dịch vụ):

Là tài liệu do Hiệp hội Thương hiệu Quốc tế ban hành nhằm để giúp phân loại hàng hóa, dịch vụ theo đặc điểm, tính chất…, và phân loại theo số thứ tự để người tra cứu (người đăng ký, cơ quan có thẩm quyền) dễ dàng tra cứu chủng loại, để dễ dàng trong việc đăng ký và cấp quyền bảo hộ thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ đó.

Đối với các doanh nghiệp Việt mới đặt chân đến nước Mỹ, cùng với việc tìm hiểu các thủ tục để thành lập doanh nghiệp hay xin visa doanh nhân L-1, thì hiểu rõ về luật sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ và đăng ký bảo hộ thương hiệu là vô cùng cần thiết. Vậy nên, để khỏi mất thời gian, chi phí, công sức điều chỉnh đơn, doanh nghiệp nên tiến hành kiểm tra, đối chiếu hàng hóa, dịch vụ của mình với Bộ tham chiếu này trước.

Nguồn: https://flatworld.com.vn/luat-so-huu-tri-tue-hoa-ky-thuong-hieu-ky-1/