Luật sở hữu trí tuệ ( Intellectual Property Laws) Hoa Kỳ phần I: Thương hiệu (Trademark) – Kỳ 2


Ở kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu về các khái niệm Abandonment of mark, Abandonment of trademark application, Acceptable Identification of Goods and Services Manual. Sau đây là các khái niệm tiếp theo:

Aesthetic functionality (dấu hiệu chỉ đóng vai trò chức năng thẩm mỹ)

Là khái niệm về những dấu hiệu biểu hiện ra hình thức bề ngoài của một hàng hóa như độ đậm nhạt của màu sắc, kích cỡ… và chúng chỉ giữ vai trò như là những chức năng của sản phẩm, và do vậy, không được bảo hộ thương hiệu theo luật sở hữu trí tuệ.

Vậy nên, doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của mình cần lưu ý khái niệm này để tránh bị trả đơn, yêu cầu bổ sung… sẽ rất mất thời gian.

Allegation of Use for Intent-to-Use Application, With Declaration (Tuyên bố việc thương hiệu chính thức được sử dụng)

Là quy định buộc người đăng ký bảo hộ thương hiệu phải nộp đơn thông báo cho USPTO biết việc thương hiệu đã chính thức được sử dụng trong kinh doanh thì lúc đó USPTO mới chính thức cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu. Việc chỉ nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu đến USPTO chưa phải là việc bảo hộ thương hiệu đã được đăng ký.

Do vậy, doanh nghiệp Việt cần lưu ý khi đăng bảo hộ thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của mình. Sau khi đơn xin bảo hộ đã được USPTO chấp nhận, thì doanh nghiệp cần phải nộp thêm đơn Allegation of Use for Intent-to-Use Application và đóng thêm một khoản phí bổ sung, thì lúc đó, việc bảo hộ thương hiệu mới được đăng ký và chính thức có hiệu lực.

Một lưu ý quan trọng khi nộp Allegation of Use for Intent-to-Use Application, đó là Đơn này chỉ được nộp trước ngày USPTO có quyết định công khai (publication) các dấu hiệu được đề nghị của thương hiệu, hoặc là sau khi USPTO gởi thông báo về việc cho phép sử dụng các dấu hiệu này. USPTO sẽ không chấp nhận Đơn Allegation of Use for Intent-to-Use Application nộp trong khoảng thời gian giữa 02 ngày nêu trên đây.

Anticybersquatting Consumer Protection Act (ACPA) Allegation of Use for Intent-to-Use Application (Đạo luật chống việc đăng ký tên miền, sau đó bán lại cho những người chủ thật sự của tên miền đó)

Là đạo luật được ban hành để chống lại những “gian thương” khi cố ý đăng ký những tên miền (domain name) của những doanh nghiệp, thương hiệu nổi tiếng nhằm mục đích sau đó bán lại cho chính chủ nhân thật sự của doanh nghiệp, thương hiệu đó.

Trong thực tiễn kinh doanh, có những doanh nghiệp, thương hiệu nổi tiếng, có nhiều lý do, đã “quên” hay chưa kịp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho tên miền của hàng hóa, dịch vụ của mình, nên đã tạo cơ hội cho những “gian thương” chiếm đoạt tên miền bằng cách đăng ký trước, sau đó quay ngược lại “tống tiền doanh nghiệp” bằng cách đề nghị họ mua lại tên miền… những hành vi như thế này là vi phạm ACPA.
Theo Đạo luật này, người chủ thật sự của tên miền có thể khởi kiện ra tòa để đòi người đăng ký trả lại tên miền cho mình, và thường là người vi phạm (người đăng ký) phải trả tiền án phí.

Để khởi kiện thành công, người chủ thật sự của tên miền phải chứng minh được là:

– Người đăng ký đã có ý đồ xấu khi đăng ký tên miền nhằm mục đích hưởng lợi từ việc đăng ký này;

– Tại thời điểm người đăng ký với ý đồ xấu, thì tên miền này đã thể hiện sự rõ ràng thuộc về người chủ thật sự như tên miền gắn với sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Lấy ví dụ như tên miền Louis Vuitton hoặc LV thì ai cũng biết là gắn với sản phẩm thời trang nổi tiếng thế giới, và thuộc về một số công ty có quyền sở hữu nó; vậy nên, nếu có 1 công ty nào khác đăng ký tên miền này (đặt giả thuyết là LV quên đăng ký tên miền cho thương hiệu), thì theo ACPA, các công ty là chủ sở hữu thật sự của thương hiệu LV sẽ có quyền khởi kiện và “cầm chắc” 100% là sẽ thắng kiện công ty kia để dành lại tên miền LV.

– Người “gian thương” đã cố ý đăng ký một tên miền gây nhầm lẫn với tên miền của doanh nghiệp nhằm đánh lừa người khách hàng vào đường dẫn đến tên miền của mình.

– Tên miền của người chủ sở hữu thật sự phải rõ ràng, thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu theo luật thương hiệu. Đồng thời, người chủ sở hữu thật sự phải chứng minh được mình là người đầu tiên sử dụng tên miền đó.
Do vậy, doanh nghiệp Việt cần lưu ý, một khi đã có kế hoạch kinh doanh và thiết lập tên miền cho hàng hóa, dịch vụ của mình, thì nên đăng ký ngay tên miền để khỏi phải mất thời gian tranh chấp về sau.

Tuy nhiên, nếu người đăng ký tên miền có thể phản biện lại được các vấn đề trên, thì họ vẫn có thể thắng kiện, và được phép tiếp tục sự dụng tên miền đó.

Những tranh chấp này có thể được giải quyết thông qua trọng tài để tiết kiệm thời gian và chi phí. Giải quyết bằng trọng tài trong việc tranh chấp tên miền thường được hướng dẫn theo Bộ quy tắc giải quyết tranh chấp thống nhất (UDRP) do ICANN, là một tổ chức về tên miền quốc tế, ban hành, và thông thường thời gian giải quyết cũng chỉ khoảng 02 tháng.

Nguồn: https://flatworld.com.vn/luat-so-huu-tri-tue-hoa-ky-thuong-hieu-ky-2/