Một số điểm mới quan trọng về Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo Quy định tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP


Để hướng dẫn thi hành các quy định mới theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Dưới đây là một số nội dung mới, quan trọng đối với lĩnh vực thực thi quyền sở hữu trí tuệ:

1. Xác định hành vi, tính chất và mức độ xâm phạm (từ Điều 72 đến Điều 80)

Việc xác định hành vi xâm phạm, cùng với việc hiểu rõ tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm, còn phải căn cứ vào những tiêu chí nhất định. Một hành vi chỉ được coi là vi phạm khi có đủ các căn cứ sau:

  • Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ;
  • Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét;
  • Cá nhân thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ sở hữu hợp pháp và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết hơn về các căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền đối với giống cây trồng.

Đáng chú ý, Nghị định 65/2023/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu hành vi vi phạm xảy ra trên mạng Internet và được thực hiện trên trang thông tin điện tử dưới tên miền Việt Nam hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt hoặc nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam, hành vi đó cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam.

2. Xác định thiệt hại (từ Điều 82 đến Điều 87)

Theo Nghị định số 65/2023/ND-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp tại Việt Nam, việc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bao gồm một số nội dung chính sau đây:

– Thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng quy định tại Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền.

– Được coi là có tổn thất thực tế nếu có đủ các căn cứ sau đây:

  • Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại.
  • Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích quy định tại điểm a khoản này.
  • Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.

– Tổn thất tài sản, tổn thất tinh thần, giảm thu nhập, lợi nhuận và tổn thất cơ hội kinh doanh được xác định theo quy định từ Điều 83 đến Điều 87 Nghị định số 65/2023/ND-CP.

3. Xử lý hàng hóa xâm phạm (Điều 96)

Khác với quy định trước đây, Nghị định Số 65 trao quyền cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xâm phạm triệu hồi hàng hóa xâm phạm đã được đưa vào kênh phân phối của tổ chức, cá nhân đó để áp dụng các biện pháp xử lý trong một số trường hợp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các biện pháp hành chính.

4Kiểm soát biên giới (Điều 103)

– Trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát, Chi cục Hải quan có quyền chủ động ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đó nếu phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá giả mạo chỉ dẫn địa lý;

– Khi có thông tin liên hệ, Chi cục Hải quan phải thông báo kịp thời cho chủ thể quyền nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý và nhà xuất khẩu hoặc người nhập khẩu có liên quan về việc tạm dừng này;

– Thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 ngày kể từ ngày Chi cục Hải quan thông báo cho chủ thể quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này;

– Trường hợp chủ hàng bị thiệt hại do hành động chủ động tạm dừng không đúng của Chi cục Hải quan, Chi cục Hải quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ hàng và thanh toán các chi phí liên quan theo quy định của pháp luật.

5. Nội dung và lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng (từ Điều 114 đến Điều 122)

So với các quy định trước đây, việc giám định quyền sở hữu trí tuệ và quyền đối với giống cây trồng đã được điều chỉnh với một số nội dung chính sau đây:

– Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

– Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hay không;

– Xác định có hay không sự trùng, tương đương tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;

– Xác định giá trị quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo phương pháp định giá được quy định trong pháp luật về giá; xác định giá trị thiệt hại theo quy định tại Điều 204 và 205 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Có thể nhận thấy, Nghị định số 65/2023/ND-CP là một văn bản pháp lý quan trọng để điều chỉnh và cụ thể hóa một số quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ 2022; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

6. Hiệu lực thi hành

Nghị định số 65/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 23 tháng 8 năm 2023.

Nghị định số 65/2023/NĐ-CP thay thể toàn bộ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và thay thế các quy định về bảo vệ quyền trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và Điều 1 của Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Nguyễn Thị Hương Trà

Phòng Thực thi quyền

INVESTIP – IP LAW FIRM