Một số điểm mới về nhãn hiệu trong Thông tư 23/2023/TT-BKHCN


Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN đã được Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/11/2023. Đây là Thông tư thay thế Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và các thông tư sửa đổi trước đây để quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 và biện pháp thi hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

Theo đó, Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN (sau đây gọi tắt là Thông tư 23) một mặt kế thừa những nội dung cơ bản của các thông tư cũ, một mặt đã có những thay đổi theo hướng:

(i) Tập trung quy định chi tiết một số nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi;

(ii) Kế thừa và chỉnh sửa một cách hợp lý các quy định hướng dẫn vẫn còn giá trị áp dụng thực tiễn tại Nghị định 103/2006 nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh;

(iii) Loại bỏ các quy định thủ tục hành chính (đưa vào Nghị định 65/2023/NĐ-CP) để phù hợp với Luật ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật;

(iv) Chỉnh sửa về hình thức và cách trình bày nội dung để các quy định có cấu trúc ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu đối với người đọc.

Đối với các quy định về Nhãn hiệu, Thông tư 23 có một số điểm mới đáng lưu ý như sau:

1. Về ủy quyền đại diện nộp đơn (Điều 5)

Các Thông tư trước đây đều đã quy định rõ hình thức ủy quyền phải ở dạng văn bản (giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền), cũng như các nội dung và điều kiện của việc thay thế ủy quyền, ủy quyền lại. Kế thừa các quy định này, Thông tư 23 đã có thêm các quy định bổ sung như:

Việc thay thế ủy quyền phải được tuyên bố bằng văn bản nhưng nội dung này có thể được linh hoạt trình bày trong văn bản riêng hoặc kể cả ngay trong văn bản ủy quyền

Việc ủy quyền lại chỉ được thực hiện nếu: (i) tổ chức, cá nhân được ủy quyền lại đáp ứng yêu cầu là người Đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại và (ii) việc ủy quyền lại được thực hiện sau khi ủy quyền ban đầu được Cục Sở hữu trí tuệ thừa nhận theo quy định (ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận văn bản ủy quyền ban đầu hợp lệ)

2. Thẩm định hình thức đơn (Điều 9)

Khác với các Thông tư cũ quy định các điều kiện để Đơn được hợp lệ về hình thức thì Thông tư 23 quy định vấn đề này theo hướng loại trừ, liệt kê rõ các trường hợp Đơn bị coi là không hợp lệ. Trong đó, Thông tư nêu rõ các Điều khoản làm căn cứ xác định người nộp đơn không có quyền đăng ký cũng như lần đầu tiên đề cập gián tiếp “các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh” là một trong các trường hợp có cơ sở để khẳng định ngay Đơn bị coi là không hợp lệ (Điều 9.1.c)

Bên cạnh đó, Thông tư 23 cũng nêu rõ phạm vi của việc thẩm định hình thức đối với đơn nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận (Điều 25) bằng việc liệt kê cụ thể các vấn đề không được xem xét trong quá trình thẩm định hình thức các đối tượng nhãn hiệu này như “việc đánh giá/phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu”, “phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiêu” và “điều kiện sử dụng nhãn hiệu” v.v..

3. Công bố đơn hợp lệ (Điều 10)

Lần đầu tiên, nội dung công bố đơn nhãn hiệu sẽ bao gồm “Quy chế sử dụng” nếu đối tượng nộp đơn là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Có thể nói đây là tài liệu có tính chất đặc thù cho nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cần được công bố ngoài các nội dung cơ bản của một nhãn hiệu thông thường như mẫu nhãn hiệu, phân loại quốc tế và danh mục hàng hóa, dịch vụ v.v..

4. Xử lý ý kiến phản đối đơn (Điều 11)

Về vấn đề này, Thông tư 23 đã có những thay đổi về “thời hạn” như sau:

– Quy định rõ Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ấn định thời gian 02 tháng để các bên liên quan trả lời/cho ý kiến sau khi nhận được thông báo về đơn phản đối và/hoặc sự phản hồi của người nộp đơn đối với nội dung phản đối. Khoảng thời gian này trong Thông tư cũ chỉ là 01 tháng;

– Quy định rõ thời hạn 02 tháng để người phản đối phải gửi cho Cục Sở hữu trí tuệ bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án trong trường hợp ý kiến phản đối đơn liên quan đến quyền đăng ký, và Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu người phản đối nộp đơn khởi kiện ra Tòa án. Khoản thời gian tương ứng trong Thông tư cũ chỉ là 01 tháng.

Bên cạnh đó, Thông tư 23 cũng đã nêu rõ các trường hợp loại trừ mà Cục Sở hữu trí tuệ vẫn sẽ xử lý các đơn phản đối liên quan đến “quyền đăng ký” mà không phải yêu cầu người phản đối khởi kiện vụ việc ra Tòa án. Đây là những trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ có những cơ sở rõ ràng để ngay lập tức có thể tiếp tục xem xét và xử lý ý kiến phản đối đơn theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 11.5).

Về hình thức, Thông tư 23 cũng lần đầu tiên quy định rõ ngôn ngữ dùng để phản đối đơn là tiếng Việt. Các tài liệu kèm theo có thể bằng các ngôn ngữ khác nhưng sẽ phải dịch ra tiếng Việt khi được Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.

Có thể nói các quy định sửa đổi nêu trên có tính chất tích cực, vừa rõ ràng vừa chi tiết mà lại phù hợp với thực tiễn khiến các bên dễ dàng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật.

5. Các tiêu chí xác định địa danh (Điều 24.8)

Thông tư 23 kế thừa các quy định cũ nhưng trình bày chặt chẽ, chi tiết các tiêu chí dùng để xác định thế nào là tên địa danh và dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm. Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên một địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương sẽ được coi là có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý nếu nó được “dùng cho các dịch vụ đặc thù (dịch vụ có gắn với đặc trưng nhất định của địa phương)”. Đây là trường hợp mà chưa từng được đề cập, quy định trong thông tư cũ trước đây và mang tính chất thiết thực, phù hợp với thực tiễn sử dụng tên địa danh hiện nay.

6. Thẩm định nội dung đơn (Điều 26)

Thông tư 23 đã quy định rõ hơn về việc từ chối từng phần như kết quả của giai đoạn thẩm định đơn nhãn hiệu. Cụ thể, việc từ chối bảo hộ từng phần được xác định theo phạm vi nhóm sản phẩm/dịch vụ và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đề cập cả nội dung đồng ý cấp bảo hộ lẫn nội dung từ chối trong cùng một văn bản thông báo gửi đến chủ đơn (nếu đơn nhãn hiệu chỉ được cấp bảo hộ cho một phần). Theo đó, tùy thuộc vào sự trả lời xác đáng hay không xác đáng của chủ đơn đối với từng nội dung mà Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có hướng giải quyết cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ chối toàn bộ nhãn hiệu theo quy định.

Đây là phẩn quy định được xem là tiến bộ bởi tính rõ ràng, chi tiết trong quá trình xử lý đơn nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ ở giai đoạn thẩm định nội dung. Điều này khiến người nộp đơn có định hướng và những chọn lựa xác đáng, phù hợp trong việc phản hồi ý kiến với Cục Sở hữu trí tuệ ở giai đoạn này.

7. Xác định dụng ý xấu trong việc đăng ký nhãn hiệu (Điều 34.2)

Có thể nói đây là quy định rất tiến bộ vì thực tế cho thấy ngày càng có nhiều hành vi nộp đơn nhãn hiệu có bản chất và mục đích nhằm “dụng ý xấu” (bad-faith)”. Vấn đề này đã từng được quy định trong Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản hướng dẫn nhưng tất cả chỉ nêu được khái niệm, cái tên gọi của vấn đề mà chưa có quy định nào nhằm xác định rõ hơn về nội hàm của hành vi này.

Theo đó, Điều 34.2 Thông tư 23 đã liệt kê rõ các trường hợp được coi là có “dụng ý xấu” trong việc nộp đơn nhãn hiệu. Các trường hợp này mặc dù chỉ mang tính chất “định tính”, có tính chất khái quát với phạm vi rộng nhưng thực sự chứa đựng nhiều giá trị, ý nghĩa mang tính định hướng để giúp thu thập các bằng chứng để chứng minh sự “dụng ý xấu” của những chủ đơn không ngay tình, có hành vi “đầu cơ”, cố tình trục lợi thông qua việc đăng ký nhãn hiệu.

Đáng lưu ý, Điều 34.3 của Thông tư đã khẳng định rõ việc xem xét “dụng ý xấu” này được thực hiện cả trong quá trình thẩm định đơn nhãn hiệu. Điều này cho thấy sự khác biệt với quy định cũ trước đây khi mà căn cứ “bad-faith” hầu như chỉ áp dụng như một căn cứ để hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Tác giả: Nguyễn Trọng Tú

Phòng Nhãn Hiệu

INVESTIP – IP LAW FIRM