Những điểm mới của Nghị định 65/2023/NĐ-CP về Nhãn hiệu


Sau thời gian dài trông đợi, Nghị định 65/2023/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 65) đã được ban hành vào ngày 23/08/2023. Đây là văn bản quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi 2022), thay thế các quy định cũ hướng dẫn thực thi quyền sở hữu công nghiệp đã tồn tại từ khi Luật Sở hữu trí tuệ đầu tiên ra đời vào năm 2005.

Nghị định này đã thay thế toàn bộ Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 122/2010/NĐ-CP), một phần Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ-CP).

Đặc biệt, Nghị định cũng bao gồm luôn một số nội dung về thủ tục xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như được hướng dẫn trước đây trong Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và các Thông tư sửa đổi. Do vậy, có thể nói Nghị định 65 là văn bản hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ có quy mô và toàn diện nhất từ trước đến nay. Đối với các quy định liên quan đến Nhãn hiệu, Nghị định 65 đã có một số cập nhật mới, quan trọng như sau:

1. Mẫu tờ khai đơn nhãn hiệu đã được thay mới và tích hợp trong Phụ lục của Nghị định. Đặc biệt, trong tờ khai đơn đăng ký nhãn hiệu đã bổ sung thêm 01 loại nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ là “nhãn hiệu âm thanh” để phù hợp với quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, cũng như đáp ứng yêu cầu bắt buộc theo Hiệp định CPTTP mà Việt Nam tham gia.

2. Văn bằng bảo hộ sẽ được cấp dưới dạng bản điện tử hoặc bản giấy, và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chỉ cấp bản giấy trong trường hợp người nộp đơn đề nghị cấp bản giấy trong Đơn đăng ký (tích chọn cấp bản giấy trong Đơn đăng ký). Nếu chủ đơn không thực hiện thao tác lựa chọn này trong tờ khai đơn thì văn bằng bảo hộ sẽ mặc định được cấp dưới dạng bản điện tử.

3. Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu có những thay đổi gồm:

  • Người nộp đơn được sửa đổi, bổ sung thông tin về “mã nước” của người nộp đơn và “thông tin của đại diện sở hữu công nghiệp”;
  • Người nộp đơn có thể thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các thông tin trên đây bằng văn bản mà không cần nộp Tờ khai sửa đổi, nếu đây là việc chủ động sửa đổi trước khi đơn được chấp nhận hợp lệ/bị từ chối/sửa đổi, bổ sung đơn trên cơ sở thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ;
  • Người nộp đơn phải nộp Tuyên bố thay đổi đại diện cho trường hợp thay đổi đại diện;
  • Người nộp đơn không phải nộp kèm Bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi trong trường hợp sửa đổi mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý (điểm đ khoản 2 Điều 16 Nghị định 65/2023).
  • Người nộp đơn phải nộp: (i) phí thẩm định yêu cầu sửa đổi, và (ii) phí công bố thông tin sửa đổi, bổ sung theo quy định đối với từng trường hợp.

4. Việc tách đơn nhãn hiệu có thể được yêu cầu thực hiện trước khi có quyết định thẩm định hình thức hoặc thẩm định nội dung. Tuy nhiên, việc tách đơn nhãn hiệu sang một hoặc nhiều đơn nhãn hiệu mới (đơn tách) chỉ được chấp nhận nếu:

  • Đây là việc tách một hoặc một phần danh mục hàng hoá, dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu;
  • Người nộp đơn phải nộp Bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu.

5. Việc rút đơn đăng ký nhãn hiệu nếu không đáp ứng điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn và cho người nộp đơn thời gian khắc phục.

6. Việc sửa đổi mẫu nhãn hiệu trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cũng được chấp nhận nếu đáp ứng điều kiện: (i) chỉ loại bỏ các chi tiết nhỏ là yếu tố bị loại trừ (không bảo hộ riêng) và (ii) không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

7. Điều kiện hạn chế chuyển nhượng nhãn hiệu được cụ thể hóa. Theo đó, việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu được coi là gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nếu:

  • Nhãn hiệu được chuyển nhượng trùng/tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của bên chuyển nhượng;
  • Một phần hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được chuyển nhượng tương tự với phần hàng hóa dịch vụ thuộc sở hữu của bên chuyển nhượng và việc sử dụng nhãn hiệu được chuyển nhượng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;
  • Nhãn hiệu chuyển nhượng có chứa dấu hiệu làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn/hiểu sai lệch về xuất xứ, chất lượng, giá trị… của hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi chuyển nhượng.

8. Thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu được áp dụng tương tự như thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản Văn bằng bảo hộ.

9. Việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu được bổ sung các quy định gồm:

  • Các yêu cầu đối với đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam đã được cấp số đăng ký quốc tế có thể được thực hiện trực tiếp với Văn phòng quốc tế hoặc thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Nếu được lựa chọn nộp qua Cục Sở hữu trí tuệ thì phải tuân thủ về các tài liệu như được quy định chi tiết;
  • Quy định rõ việc phản đối/có ý kiến của người thứ ba đối với đơn Madrid có chỉ định Việt Nam được phép thực hiện kể từ khi đơn Madrid được Văn phòng quốc tế công bố trên Công báo đến trước ngày ra quyết định chấp nhận bảo hộ, hoặc kết thúc 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế thông báo về đơn có chỉ định Việt Nam, tùy thuộc thời điểm nào sớm hơn. Đồng thời, xác định rõ ý kiến người thứ ba được coi là nguồn thông tin tham khảo trong quá trình xử lý đơn.

Nguyễn Trọng Tú

Phó Tổng Giám đốc

INVESTIP – IP LAW FIRM