1. Quy định pháp luật về việc xử lý xâm phạm bằng biện pháp khuyến cáo
Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 đưa ra cơ sở thực hiện biện pháp khuyến cáo như một biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 198 như sau:
“Điều 198. Quyền tự bảo vệ
1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; …”
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vị xử phạt hành chính bao gồm hành vi “Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó”; bên cạnh đó Nghị định 105/2006 cũng quy định cụ thể tại Điều 23 về việc Tài liệu, chứng cứ, hiện vật, kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm phải bao gồm “Bản sao Thông báo của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ gửi cho người xâm phạm, trong đó đã ấn định thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm và chứng cứ chứng minh người xâm phạm không chấm dứt hành vi xâm phạm trong trường hợp nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ;”
Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi và Nghị định 65/2023 hướng dẫn hiện hành đã loại bỏ quy định đề cập đến vấn đề này, qua đó chỉ thừa nhận biện pháp thông báo/khuyến cáo sở hữu trí tuệ như một biện pháp tự bảo vệ của các chủ thể quyền sở hữu tuệ mà không phải là một tài liệu bắt buộc trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền. Như vậy, khuyến cáo được sử dụng một cách mềm mỏng hơn, phụ thuộc nhiều phần vào ý chí của các bên trong việc tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Dù vậy, thực tiễn cho thấy biện pháp khuyến cáo hiệu quả mang lại nhiều lợi ích cho các bên: thứ nhất, giảm thiểu chi phí thực thi so với việc theo đuổi vụ việc theo các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự; thứ hai, trong trường hợp các bên thể hiện thiện chí, vụ việc sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng mà chưa cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng; thứ ba, giảm thiểu tổn thất về mặt kinh tế lẫn uy tín kinh doanh của cả hai bên bị xâm phạm và bên vi phạm, duy trì mối quan hệ kinh doanh hợp tác hòa hảo trong tương lai; v.v. Bởi những ưu điểm trên, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thường cân nhắc sử dụng biện pháp khuyến cáo với mong muốn bước đầu đạt được hiệu quả thực thi. Các cách thức khuyến cáo thường được thực hiện là bằng văn bản, trong trường hợp hành vi vi phạm đã gây nên hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh thì chủ thể quyền có thể cân nhắc có hay không thực hiện khuyến cáo một cách công khai.
2. Những yếu tố tác động đến hiệu quả của biện pháp khuyến cáo trong thực tiễn
* Nội dung thư khuyến cáo
Biện pháp khuyến cáo hướng tới mục đích duy nhất đó là bên vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cam kết không thực hiện các hành vi xâm phạm trong tương lai. Do vậy, đặt ra yêu cầu chuẩn bị nội dung thư khuyến cáo và các tài liệu liên quan một cách bài bản. Với những dẫn chứng thuyết phục đối tượng vi phạm, khả năng khuyến cáo thành công tương đối cao trên thực tế. Một số lưu ý về thư khuyến cáo có thể kể đến như sau:
– Cơ sở pháp lý:
+ Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền có quyền hợp pháp đối với tài sản trí tuệ: Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, giống cây trồng; giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế; Đối với quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng không đăng ký: bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, kèm theo các tài liệu khác chứng minh việc tạo ra, công bố, phổ biến các đối tượng nói trên và các tài liệu, chứng cứ kèm theo; … (Điều 24 Nghị định 65/2023)
+ Chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm đã và đang xảy ra và thực hiện bởi bên không có quyền với tài sản trí tuệ: tài liệu, vật mẫu sản phẩm mang dấu hiệu bị xem xét là xâm phạm; bản so sánh sản phẩm xâm phạm với đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ; lập vi bằng như một nguồn chứng cứ ghi nhận hành vi xâm phạm, đặc biệt đối với các vi phạm xảy ra trên môi trường mạng.
+ Kết luận Giám định khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan có thẩm quyền.
– Cơ sở thực tiễn: thực tiễn thiệt hại về vật chất, kinh tế hay uy tín, danh dự trong hoạt động kinh doanh của chủ thể quyền gây ra bởi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
* Tính chất, mức độ hành vi vi phạm
Thực tiễn cho thấy các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày một phức tạp, tinh vi với những mục đích khác nhau. Nhiều trường hợp chủ thể quyền thực hiện biện pháp khuyến cáo trực tiếp/gián tiếp một cách thành công do đối tượng còn thiếu hiểu biết pháp luật, ham lợi nhuận mà không có mục đích động cơ vi phạm rõ ràng. Tuy nhiên, trong trường hợp các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên quy mô lớn, thể hiện qua các hành vi sản xuất, phân phối, kinh doanh, vận chuyển, lưu thông những sản phẩm mang nhãn hiệu xâm phạm với mục đích lợi dụng tên tuổi của những thương hiệu nổi tiếng trên thị trường để kiếm lời, thì việc khuyến cáo gần như không có nhiều hiệu quả, hoặc đôi khi hiệu quả không đạt được như mong muốn và gây ảnh hưởng đến các bước thực thi sau đó.
Do vậy, kinh nghiệm thực thi cho thấy rất cần thiết tiến hành điều tra để hiểu rõ về thông tin, quy mô đối tượng vi phạm từ đó đánh giá tốt hơn về các biện pháp thực thi phù hợp, bao gồm cả việc khuyến cáo sao cho hiệu quả. Nhiều trường hợp các chủ thể quyền không nắm được chính xác thông tin về đối tượng, hoặc chưa cập nhật thông tin đối tượng mà đã tiến hành gửi khuyến cáo, dẫn đến việc gửi không đúng địa chỉ thực tế hoặc gửi không thành công thư khuyến cáo tới đối tượng. Khâu điều tra qua đó cũng thể hiện như một yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả của của biện pháp khuyến cáo.
* Chủ thể thực hiện gửi khuyến cáo
Chủ thể quyền bị xâm phạm nên cân nhắc lựa chọn và ủy quyền cho một đơn vị chuyên nghiệp (tổ chức hành nghề dịch vụ đại diện SHTT) và có nhiều kinh nghiệm để thực hiện biện pháp khuyến cáo. Bởi thực tế, bản thân chủ thể quyền bị xâm phạm tiến hành khuyến cáo, vì nhiều lí do khác nhau, thường sẽ có thể ít tạo ra mối quan tâm nghiêm túc và thỏa đáng của đối tượng nhận khuyến cáo. Việc vận dụng, trích dẫn các căn cứ pháp lý, việc xác lập chứng cứ, ngôn từ, thuật ngữ chuyên ngành một cách chuyên nghiệp và với lập luận chặt chẽ, mạnh mẽ sẽ tác động đến thái độ và mức thiện chí hợp tác của đối tượng nhận khuyến cáo.
Đồng thời, ủy quyền cho một đơn vị đại diện SHTT thực hiện gửi thư khuyến cáo còn có ý nghĩa quan trọng trong các công việc theo dõi vụ việc sau khi gửi khuyến cáo bao gồm: trao đổi, tranh luận, giải thích và làm rõ và thuyết phục đối tượng thông qua đa dạng các hình thức như bằng email, điện thoại, zalo, gặp gỡ trực tiếp, v.v để đối tượng nhận khuyến cáo hiểu rõ bản chất và mức độ quan trọng của vụ việc, các rủi ro pháp lý sẽ phát sinh, từ đó thúc đẩy nhận được phản hồi tích cực từ đối tượng để tạo ra hiệu quả khuyến cáo tối đa.
* Nhận thức pháp luật và ý chí của đối tượng nhận khuyến cáo
Ý thức hiểu biết, chấp hành pháp luật sở hữu trí tuệ, thiện chí trong việc giải quyết vụ việc êm thấm để đảm bảo lợi ích đôi bên là yếu tố quan trọng quyết định đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ có tác dụng tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh hay không.
Thông thường đối với hành vi vi phạm pháp luật về SHTT do vô ý, hoặc do thiếu hiểu biết đầy đủ về pháp luật SHTT, khi được khuyến cáo và được giải thích pháp luật sẽ có nhiều khả năng mang lại kết quả tích cực. Trong trường hợp khác, đối tượng vi phạm cố ý vì lợi nhuận thu được từ hanh vi vi phạm, mặc dù có hiểu biết nhất định về pháp luật, nhận thức được rủi ro và chế tài có thể bị áp dụng nhưng biện pháp khuyến cáo cũng hầu như rất ít mang lại hiệu quả (ngoài mục đích khuyến cáo nhằm xác lập và củng cố thêm chứng cứ vi phạm).
* Dẫn chiếu đến kết quả của các vụ việc tương tự Kết quả giải quyết vụ việc đối với các hành vi xâm phạm tương tự có tác dụng lớn nâng cao tính thuyết phục khi khuyến cáo đối tượng vi phạm. Các chế tài xử lý hành vi vi phạm bằng các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự trong việc giải quyết các vụ việc có tính chất tương tự đã thành công trong quá khứ có ý nghĩa mang tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm để họ cam kết chấm dứt hành vi xâm phạm và cam kết không xâm phạm trong tương lai.
Phòng Thực thi quyền Sở hữu trí tuệ
INVESTIP – Đại diện Sở hữu trí tuệ