Nền tảng IPPlatform được nhóm nghiên cứu trong nước phát triển giúp doanh nghiệp quản lý, tra cứu thông tin về sáng chế, minh bạch trong quản lý tài sản trí tuệ.
Sản phẩm do TS Tạ Quang Minh, Viện trưởng và cộng sự thuộc Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng Công ty MITEC phát triển. IPPlatform (nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp) là công cụ trực tuyến miễn phí được vận hành tại địa chỉ http://ipplatform.gov.vn từ tháng 7/2019.
Theo nhóm nghiên cứu, sau thời gian đưa vào ứng dụng, hiện có trên 180 nghìn lượt truy cập, với trên 2,2 triệu trang truy cập. Có hơn 1.000 lượt yêu cầu tư vấn đã được thực hiện miễn phí, gần 30 lượt cập nhật thông tin sở hữu công nghiệp và hơn 20 lượt yêu cầu đăng thông tin trên sàn giao dịch đã được tiếp nhận, xử lý.
Hiện mạng lưới các Trạm IPPlatform đã được thiết lập, mở rộng tại nhiều địa phương trong cả nước (Cao Bằng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Nghệ An…) đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến địa phương, gần với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Đã có 17 Trạm IPPlatform được thiết lập và vận hành tại 13 Sở Khoa học và Công nghệ, hai viện nghiên cứu và hai hiệp hội. Trong năm 2021, các Trạm IPPlatform đã cung cấp hàng trăm lượt tư vấn miễn phí và trên 20 lượt dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, trong quá trình phát triển kinh tế, việc bảo vệ tài sản trí tuệ là thiết yếu, nhưng ở Việt Nam nhận thức về bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và các tổ chức chưa được quan tâm đúng mức. Theo đó, các cơ quan về sở hữu trí tuệ có trách nhiệm tạo ra các nền tảng, công cụ mới giúp doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức bảo vệ tốt loại tài sản đặc biệt này.
Thông qua IPPlatform, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể nghiên cứu về thị trường, đánh giá xu hướng phát triển công nghệ, xu hướng đầu tư trong các ngành công nghiệp, các lĩnh vực kinh doanh trên thị trường. Thông qua nền tảng này, doanh nghiệp đánh giá được khả năng bảo hộ các tài sản trí tuệ của mình nhờ việc tra cứu thông tin về tình trạng kỹ thuật. “Thông qua IPPlatform doanh nghiệp cũng có thể đánh giá khả năng thương mại hóa, sử dụng tài sản trí tuệ, tránh những tranh chấp, xung đột quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức đã đăng ký trước đó”, ông Cẩn cho biết.
Đại diện một doanh nghiệp tại Quảng Ninh cho biết, trước đây từng đi đăng ký bản quyền nhãn hiệu cho thương hiệu riêng của công ty, nhưng mất tới ba năm vẫn chưa giải quyết xong. Có nền tảng IPPlatform, doanh nghiệp có thể tìm thông tin và những gì chưa rõ sẽ được các cán bộ kỹ thuật giải đáp, tư vấn, tránh mất thời gian đi lại.
Nền tảng này được vận hành trên cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp quốc gia, do Cục Sở hữu trí tuệ lưu giữ và cập nhật thường xuyên. Theo đó, để đảm bảo hiệu quả trong quá trình vận hành, cơ sở dữ liệu cần phải được cập nhật kịp thời, có độ tin cậy cao.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, hiện vẫn còn nhiều thông tin thiếu (bản mô tả đầy đủ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…); phương thức cập nhật dữ liệu sở hữu công nghiệp cho nền tảng IPPlatform chưa trực tiếp, đồng bộ với công bố của Cục Sở hữu trí tuệ.
Nhóm mong muốn sự tham gia của các Sở Khoa học và Công nghệ, các trường, viện nghiên cứu trong việc mở rộng các Trạm IPPlatform, phổ biến hướng dẫn khai thác thông tin sở hữu công nghiệp. Đối với các đơn vị chức năng liên quan, hỗ trợ nhóm trong việc thúc đẩy cập nhật thông tin sở hữu công nghiệp, nâng cấp IPPlatform và phát triển công cụ cập nhật thông tin phát huy hiệu quả cao hơn.
Nguồn: vnexpress.net