Quốc hội thảo luận sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ


Yêu cầu đặt ra của việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ phải kế thừa được các giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng.

Họp phiên toàn thể chiều 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay. 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách. 

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất cao với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở kế thừa những ưu điểm, khắc phục điểm hạn chế và bổ sung các điều, khoản phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, yêu cầu đặt ra của việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ phải kế thừa được các giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng.

Đồng thời, khuyến khích được tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Nội luật hóa các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Các đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai), Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị vẫn giữ quy định của Luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cần bổ sung chế tài liên quan đến việc chậm xử lý cấp bằng bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu.

Góp ý về văn bằng bảo hộ (Khoản 2 Điều 92 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 40 Điều 1 của dự thảo Luật), đại biểu Hà Sỹ Huấn (Bắc Kạn) cho rằng, quy định về văn bằng bảo hộ còn chung chung, chưa thể hiện rõ thông tin về tình trạng kỹ thuật của đối tượng được bảo hộ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp). Điều này dẫn đến trong thực tiễn công chúng không tiếp cận được thông tin về lịch sử xác lập quyền của đối tượng được bảo hộ và cơ sở (đối chứng) để bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Đại biểu Hà Sỹ Huấn đề nghị sửa đổi theo hướng văn bằng bảo hộ ghi nhận thông tin cơ bản về tình trạng kỹ thuật của đối tượng được bảo hộ, bảo đảm tính minh bạch, đầy đủ về thông tin sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân xác định phạm vi bảo hộ khi xảy ra tranh chấp, xung đột quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đại biểu Dương Bình Phú (Phú Yên), cần có một chính sách mới được quy định cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ về việc Nhà nước trực tiếp giao sở hữu một số đối tượng quyền tác giả là kết quả nghiên cứu từ kinh phí nhà nước cho tổ chức nghiên cứu, để các đối tượng này dễ dàng được khai thác và thương mại hóa. Do vậy ở Điều 8 Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách đặc thù về quyền tác giả, góp phần tạo điều kiện phát triển hai lĩnh vực về công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa một cách dễ dàng, thuận lợi, có tính định hướng cao hơn. Đồng thời, bổ sung chính sách rõ ràng về các đối tượng quyền tác giả đã được tạo ra trước khi thực hiện chính sách “đổi mới”.

Còn thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thực tiễn hiện nay đang có vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của số đông công chúng khi tổ chức phát sóng, tổ chức và cá nhân khai thác bản ghi âm, ghi hình không thỏa thuận được với tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất về mức tiền bản quyền chi trả, vì vậy, trường hợp này “thực hiện theo quy định của Chính phủ” là cần thiết.

Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình” không thuộc trường hợp Nhà nước định giá theo quy định tại Điều 19, Điều 22 của Luật Giá. Do đó, để có cơ sở giao Chính phủ định giá thì cần sửa các quy định có liên quan của Luật Giá để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nguồn: baochinhphu.vn