Nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) có vai trò quan trọng trong tăng trưởng và cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thăng tiến chuỗi giá trị của xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Điều này được thể hiện qua các khía cạnh như: số lượng đề tài nghiên cứu KHCN ngày càng tăng; sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học ngày càng được thúc đẩy; hoặc kinh phí hoạt động KHCN ngày càng cân bằng giữa ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn vốn khác từ doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN còn gặp nhiều khó khăn do các quy định về thủ tục hành chính. Do đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra chính sách khuyến khích tạo ra, khai thác, phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN.
Trên cơ sở đó, Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi vào năm 2022 trong đó quy định rõ việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả. Tiếp theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/08/2023 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi nêu trên.
1. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN
Đối với nhiệm vụ KHCN sử dụng 100% NSNN: tổ chức chủ trì được giao một cách tự động quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu KHCN có sử dụng NSNN mà không cần thông qua thủ tục giao quyền đăng ký của đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức chủ trì có thể chủ động đăng ký xác lập quyền, khai thác, sử dụng các kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, đẩy nhanh hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa đối tượng được bảo hộ trong trường hợp tổ chức chủ trì không có chức năng cũng như khả năng kinh doanh.
Đối với nhiệm vụ KHCN được đầu tư bởi nhiều nguồn vốn trong đó có một phần sử dụng NSNN:
– Tổ chức chủ trì có phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với phần NSNN đầu tư.
– Tổ chức, cá nhân khác có phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với phần góp vốn đầu tư.
– Trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, phần quyền đăng ký thuộc về Nhà nước và do đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện đăng ký.
Ứng với phần quyền đăng ký đó, tổ chức chủ trì nhiệm vụ KHCN/đại diện chủ sở hữu nhà nước cần thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với kết quả của nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN với quy trình và thời hạn như sau:
– Tổ chức chủ trì thông báo cho đại diện chủ sở hữu nhà nước trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN được tạo ra, trong đó nêu rõ thông tin về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhu cầu thực hiện đăng ký và các quốc gia dự định nộp đơn đăng ký (nếu có); và
– Nộp đơn đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN tại Việt Nam trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày gửi thông báo cho đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Song song với các quyền được giao liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trên, sau khi đã nộp đơn đăng ký xác lập quyền, tổ chức chủ trì cũng có nghĩa vụ thông báo cho Cơ quan quản lý nhiệm vụ KHCN về (i) kết quả xử lý đơn do Cục Sở hữu trí tuệ thông báo, và (ii) tình trạng của đơn trong trường hợp đơn coi như là đã rút trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tình huống tương ứng. Đồng thời, tổ chức chủ trì cần phải trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí theo quy định.
Ngoài ra, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ cho các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN, tổ chức chủ trì cần phải áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đã được cấp, bao gồm cả các thủ tục cần thiết để duy trì/gia hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ, cũng như xác định và thực hiện các biện pháp khai thác thương mại phù hợp. Đồng thời, định kỳ hàng năm tổ chức chủ trì cần phải báo cáo cho Cơ quan quản lý nhiệm vụ KHCN về tình hình khai thác thương mại, đánh giá hiệu quả của việc khai thác sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được bảo hộ, lợi nhuận đạt được từ việc sử dụng sáng chế, các biện pháp bảo vệ quyền đang thực hiện, và việc phân chia lợi nhuận.
Như vậy, mặc dù được giao quyền một cách tự động như nêu trên, đối với một số tổ chức chủ trì nhiệm vụ KHCN mà không có khả năng đánh giá khả năng thương mại hóa đối với kết quả của nhiệm vụ KHCN, hoặc không có chức năng cũng như khả năng kinh doanh, việc thực hiện các quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đã được giao có thể gặp khó khăn. Điều đó dẫn đến tình trạng một số tổ chức chủ trì nhiệm vụ KHCN có thể không thực hiện quyền đăng ký hoặc không có nhu cầu đăng ký/sử dụng/khai thác sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho kết quả của nhiệm vụ KHCN do đơn vị mình thực hiện.
2. Giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN cho tổ chức/cá nhân khác
Để tránh tình trạng đề tài nghiên cứu bị “đắp chiếu” khi mà các kết quả của nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN không được đăng ký bảo hộ và/hoặc khai thác thương mại, đã có quy định chi tiết về cơ chế giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đối với kết quả của nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN đó cho tổ chức/cá nhân khác có nhu cầu.
Cụ thể là, trong các trường hợp mà tổ chức chủ trì nhiệm vụ KHCN (i) không thực hiện nghĩa vụ thông báo cho đại diện chủ sở hữu nhà nước về kết quả của nhiệm vụ KHCN, không thực hiện quyền đăng ký trong thời hạn quy định, hoặc (ii) có văn bản báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về việc không có nhu cầu đăng ký, cơ quan quản lý nhiệm vụ KHCN sẽ thông báo công khai trên Trang tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử trong thời hạn 90 ngày để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN.
Trong trường hợp có hồ sơ đề nghị giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN có sử dụng NSNN được nộp và hồ sơ đó được xác định là hợp lệ, cơ quan quản lý nhiệm vụ KHCN sẽ báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước ban hành quyết định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện được giao, và tổ chức, cá nhân nhận giao quyền đăng ký cần phải nộp đơn đăng ký xác lập quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được quyết định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của đại diện chủ sở hữu nhà nước và thực hiện nghĩa vụ tương ứng khác của tổ chức chủ trì.
Trong trường hợp không giao được quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu, Cơ quan quản lý nhiệm vụ KHCN sẽ công khai trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN để tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia mà đã được xác định là bí mật quốc gia).
Điều này giúp mở ra cơ hội cho các nhà khoa học có đóng góp vào quá trình thực hiện nhiệm vụ KHCN có thể được giao quyền đăng ký trong trường hợp mà tổ chức chủ trì không thực hiện quyền đăng ký liên quan kết quả nhiệm vụ KHCN tương ứng. Đồng thời, cơ chế này cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực tương ứng có thể tiếp cận với các công trình nghiên cứu KHCN để triển khai hoặc khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học tiên tiến được nhà nước đầu tư mà các đơn vị chủ trì không có chức năng cũng như khả năng kinh doanh.
3. Nghĩa vụ bảo mật thông tin
Do sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là loại tài sản vô hình đặc biệt với những nguyên tắc đặc thù. Ví dụ, nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” yêu cầu cần phải nộp đơn đăng ký xác lập quyền càng sớm càng tốt, tránh trường hợp tổ chức, cá nhân khác cũng tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương tự, hoặc có được thông tin về sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó và tiến hành nghiên cứu bổ sung/cải tiến và sau đó đăng ký bảo hộ trước. Các tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCH và tổ chức chủ trì phải bảo mật thông tin về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó cho đến khi đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được nộp hoặc đã được đại diện chủ sở hữu nhà nước công bố công khai nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
INVESTIP đã và đang là một trong những đại diện sở hữu trí tuệ hàng đầu tại Việt Nam. Được sự tín nhiệm của các Sở, Ban, Ngành địa phương, phòng Dự Án của INVESTIP đã tham gia triển khai rất nhiều nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình quốc gia về hỗ trợ phát triển Tài sản trí tuệ của doanh nghiệp các dự án tương tự trên khắp cả nước. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp dịch vụ và hỗ trợ tốt nhất đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, cụ thể trong các lĩnh vực:
- Tư vấn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ các đối tượng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nói chung, và đặc biệt là tư vấn, đăng ký các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN;
- Triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận và Chỉ dẫn địa lý;
- Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho các sản phẩm;
- Tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về Sở hữu trí tuệ;
- Thực hiện các chương trình truyền thông giới thiệu và phổ biến kiến thức liên quan đến lĩnh vực Sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu;
- Phát triển và thực hiện các đề tài, dự án, sáng kiến thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và khoa học xã hội.
Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Thị Lê Na
Phòng Sáng chế