Theo báo cáo mới được công bố bởi Trung tâm Chính sách đổi mới toàn cầu thuộc Phòng Thương mại Mỹ (GIPC), trong năm 2022, Singapore đã vượt qua Mỹ, Hàn để trở thành nước đứng đầu thế giới về chỉ số sở hữu trí tuệ ở lĩnh vực bằng sáng chế.
Cụ thể, theo bảng xếp hạng của GIPC, năm nay, Singapore đã vượt qua 54 quốc gia khác để đứng đầu danh sách xếp hạng về chỉ số sở hữu trí tuệ ở lĩnh vực bằng sáng chế với số điểm 97,22/100.
Trong danh sách này, các quốc gia mạnh về bằng sáng chế khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thụy sĩ đã cùng đứng đồng hạng 2. Các nước đứng đồng hạng 6 gồm Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Đài Loan (Trung Quốc), với 91,67 điểm.
Cũng trong báo cáo về “Chỉ số sở hữu trí tuệ quốc tế 2022” của GIPC, ở lĩnh vực quyền thương hiệu, Mỹ và Anh đứng đồng hạng nhất với 100 điểm. Hàn Quốc đứng thứ ba với 93,75 điểm.
Báo cáo cho thấy, mặc dù đứng đầu trong bảng xếp hạng ở lĩnh vực sáng chế, tuy nhiên, Singapo chỉ đạt 75/100 điểm tại lĩnh vực quyền thương hiệu và nằm ở vị trí số 10, trong khi đó, các nước Đức, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ và hà Lan đều đạt trên 80 điểm.
Theo kết quả đánh giá chỉ số tổng hợp, Mỹ đứng thứ nhất với 95,48 điểm. Tiếp theo là Anh với 94,14 điểm, Đức với 92,46 điểm, Thụy Điển với 92,14 điểm, Pháp với 92,1 điểm. Hàn Quốc đứng thứ 12, đạt 83,94 điểm, đứng thứ ba trong số các nước châu Á – sau Nhật Bản 91,26 điểm, Singapore 84,44 điểm.
Hàn Quốc được đánh giá cao về lĩnh vực bằng sáng chế, quyền thương hiệu, tính hiệu quả của hệ thống, nhưng lại có điểm tương đối thấp ở các lĩnh vực như bí mật kinh doanh, quyền thiết kế, thương mại hóa tài sản trí tuệ, gia nhập và phê chuẩn công ước quốc tế.
GIPC đánh giá cao việc Hàn Quốc sửa đổi Luật về phòng ngừa cạnh tranh bất công bằng và bảo vệ bí mật kinh doanh, đẩy mạnh căn cứ pháp lý về bồi thường thiệt hại với hành vi xâm hại bí mật kinh doanh, bằng sáng chế.
Ngoài ra, tiêu chuẩn bằng sáng chế của Hàn Quốc được phân tích là có biện pháp bảo hộ mạnh mẽ với bản quyền trực tuyến và kỹ thuật số, ngoại trừ lĩnh vực phần mềm.
Tuy nhiên, GIPC cũng nêu ra một số nhược điểm như rào cản tiếp cận thị trường, phân biệt người sở hữu tài sản trí tuệ tại nước ngoài, hay điều kiện đăng ký bản quyền rắc rối.