Chuyển đổi kỹ thuật số thúc đẩy bởi các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại toàn cảnh sở hữu trí tuệ (SHTT) toàn cầu như thế nào?
Hiểu biết của chúng tôi về tác động của chuyển đổi kỹ thuật số đối với bối cảnh SHTT toàn cầu là rất sơ bộ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng nó đang diễn ra nhanh chóng và sâu sắc và sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến việc quản lý các hệ thống và chính sách SHTT.
Việc điều hướng tác động lên quản trị SHTT tương đối đơn giản. Xét rộng hơn, nó liên quan đến đánh giá lợi ích của việc áp dụng và sử dụng các công nghệ này để cải thiện hiệu quả hoạt động của các văn phòng (cục) SHTT. Khó khăn lớn là phải tìm ra cách các công nghệ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách SHTT.
Quyền SHTT mà chúng ta có ngày nay chủ yếu được phát triển trong cuộc Cách mạng Công nghiệp nhằm đáp ứng sản xuất hàng loạt. Một trong những câu hỏi lớn mà chúng ta phải đối mặt hiện nay là liệu các quyền SHTT đang có này có cung cấp các động lực cần thiết để thúc đẩy đổi mới trong thời đại kỹ thuật số hay không.

“Một trong những câu hỏi lớn mà chúng ta phải đối mặt là liệu các quyền SHTT đang có này có tạo ra các động lực cần thiết để thúc đẩy đổi mới trong thời đại kỹ thuật số hay không”.
Hệ thống SHTT cổ điển có còn phù hợp trong nền kinh tế hướng dữ liệu mới không?
Hiện tại, giới kinh doanh tin rằng hệ thống SHTT cổ điển còn rất lâu mới lỗi thời. Các số liệu thống kê cho thấy lượng sử dụng hệ thống SHTT cổ điển chưa từng có, với tốc độ tăng trưởng vượt xa hiệu quả kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý rằng công nghệ kỹ thuật số dựa trên dữ liệu tiên tiến rõ ràng là lực lượng chi phối sản xuất kinh tế và phân phối trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi liệu rằng các số liệu thống kê có tiết lộ việc sử dụng ngày càng tăng trong nền kinh tế công nghiệp hay liệu rằng chúng cũng làm điều tương tự như trong nền kinh tế kỹ thuật số. Việc hệ thống SHTT cổ điển sẽ có hiệu quả như thế nào trong việc giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh từ các công nghệ dựa trên dữ liệu đang thống trị kinh tế kỹ thuật số vẫn chưa rõ ràng. Không nghi ngờ gì nữa, những điều này sẽ đặt ra những thách thức đáng kể cho các nhà hoạch định chính sách về SHTT.
Có bằng chứng nào cho thấy các quốc gia đang bắt đầu điều chỉnh các chính sách đổi mới để phù hợp với nền kinh tế kỹ thuật số không?
Có. Một số quốc gia đã áp dụng các chiến lược lấy AI làm trọng tâm trong chiến lược kinh tế của họ. Các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, bao gồm cả AI, có khả năng phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới và có lợi thông qua thao túng dữ liệu.
Một số công nghệ, đặc biệt là AI, cải thiện hiệu suất khi có quyền truy cập vào lượng lớn hơn của dữ liệu. Hiện tại, có sự đồng tình rộng rãi rằng việc cung cấp dữ liệu giúp ích cho sự phát triển các sản phẩm và dịch vụ hữu ích và có lợi. Tuy nhiên, các chính phủ không thể yêu cầu các công ty chia sẻ dữ liệu bí mật của họ với các đối thủ cạnh tranh.
Những gì các công ty có thể làm là cung cấp dữ liệu dịch vụ công chẳng hạn như dữ liệu được thu thập từ việc cung cấp dịch vụ công và dữ liệu từ các nghiên cứu được tài trợ công, cho các doanh nghiệp có thể thu được giá trị từ các dữ liệu đó.
Một số tổ chức tư nhân, bao gồm cả các nhà khoa học, tin vào việc cung cấp dữ liệu một cách công khai đang áp dụng các phương pháp tương tự. Vẫn còn nhiều câu hỏi phức tạp về chính sách xung quanh dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số.
“Vẫn còn nhiều câu hỏi phức tạp về chính sách xoay quanh dữ liệu trong
nền kinh tế kỹ thuật số.”
Francis Gurry, Tổng giám đốc WIPO
Các bước quan trọng tiếp theo đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc tạo ra một khung chính sách SHTT hiệu quả về dữ liệu là gì?
Chúng ta cần xác định các thông lệ thích hợp và hợp pháp liên quan đến việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu sau. Nói cách khác, chúng ta cần xác định những hạn chế nào phù hợp cho việc thu thập và sử dụng dữ liệu sau này, đồng thời cần hiểu tại sao những hạn chế này lại cần thiết.
Mặc dù hiện có các phương tiện đặc biệt mạnh mẽ để thu thập tất cả các loại dữ liệu (ví dụ như giọng nói, văn bản, hình ảnh, v.v.) nhưng chúng tôi vẫn cần xác định các phương tiện thích hợp để thu thập và sử dụng dữ liệu đó.
“Chúng ta cần xác định các thông lệ thích hợp và hợp pháp liên quan đến việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu.”
Francis Gurry, Tổng giám đốc WIPO
Những nhân tố nào có ảnh hưởng khi thiết lập các hạn chế có thể có đối với việc sử dụng dữ liệu?
Quyền riêng tư có lẽ là nhân tố nhận được nhiều sự quan tâm nhất cho đến nay.
Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh Châu Âu là hệ quả của điều này. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (Điều 12) công nhận quyền riêng tư là một quyền con người.
Tuy nhiên, điều thú vị là sự thiếu rõ ràng về chính sách hiện tại về quyền riêng tư đã dẫn đến việc một số doanh nghiệp sử dụng nó như một công cụ cạnh tranh. Ví dụ như một số công ty tuyên bố cung cấp các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn các đối thủ cạnh tranh của họ. Những công ty khác cũng sẽ tham gia thị trường với các dịch vụ tương tự, mỗi dịch vụ có khả năng liên quan đến các hạn chế đối với việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu khách hàng.
Bảo mật là một nhân tố khác với mong muốn đảm bảo rằng dữ liệu không bị công khai để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân hoặc để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Nhân tố này đặt ra những thách thức đặc biệt bởi vì thông thường, Chính phủ sẽ không áp đặt những hạn chế như vậy. Nói chung, Chính phủ nhận định bảo mật là khi một cá nhân không được phép xâm phạm tài sản của người khác, tức là sử dụng các từ ngữ của nền kinh tế vật chất (trước và trong thế kỷ 19, trước cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông). Các nhà hoạch định chính sách hiện phải quyết định xem nên áp dụng trong nền kinh tế số như thế nào. Kết luận của họ có thể dẫn đến việc hạn chế hơn nữa sự thu thập và sử dụng dữ liệu.
Chính sách cạnh tranh chống lại mọi sự lạm dụng sức mạnh thị trường của các tác nhân kinh tế có vị trí thống lĩnh thị trường.
Trong khi các chính sách liên quan đang được phát triển, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa hiểu đầy đủ về thị trường số, hoặc hành vi chống cạnh tranh trông như thế nào trong bối cảnh đó. Trong chừng mực dữ liệu là đầu vào cơ bản để sản xuất và phân phối trong nền kinh tế kỹ thuật số, thì việc tập trung sức mạnh thị trường và ảnh hưởng của nó lên cạnh tranh cũng sẽ làm nảy sinh hạn chế đối với việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu.
Thuế trong nền kinh tế số là một vấn đề lớn khác.
Trong nền kinh tế vật chất, nguồn hàng hóa, nơi cư trú và quyền công dân nói chung là những cơ sở để các chính phủ khẳng định quyền đánh thuế. Làm thế nào những khái niệm này có thể được áp dụng cho nền kinh tế kỹ thuật số khi nền tảng hoạt động ở một nơi trên thế giới nhưng lại bán và tải xuống hàng hóa trực tuyến ở một nơi khác?
Làm thế nào để các cơ quan thuế có thể theo dõi các giao dịch đó? Có nên đánh thuế tại nơi cung cấp (như nơi đặt trụ sở chính của nền tảng) hoặc tại quốc gia mà hàng hóa được mua không? Ai có quyền đánh thuế giá trị tạo ra từ giao dịch đó? Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang nỗ lực để hiểu rõ hơn về những câu hỏi này.
Và tất nhiên, tài sản và sở hữu trí tuệ nói chung là một nhân tố quan trọng.
Theo hệ thống SHTT cổ điển, bất kỳ dữ liệu không công khai nào đã được một tác nhân kinh tế thực hiện các bước hợp lý để giữ bí mật và có giá trị kinh tế được công nhận thì đều có thể cấu thành bí mật kinh doanh. Trong nền kinh tế kỹ thuật số, bí mật kinh doanh đã trở thành một công cụ chủ đạo để bảo vệ dữ liệu chưa được công bố mang ý nghĩa kinh tế.
Nhưng liệu các bí mật kinh doanh có bảo vệ đầy đủ những dữ liệu đó không? Bí mật kinh doanh không phải là một quyền tài sản theo nghĩa cổ điển mà chúng là quyền quan hệ mà theo đó các cá nhân không có quyền xâm phạm hoặc lạm dụng bí mật kinh doanh của người khác. Lấy ví dụ như nếu một công ty cung cấp dữ liệu cho nhà thầu phụ với một mục đích cụ thể thì nhà thầu phụ không thể sử dụng chúng theo bất kỳ cách nào khác. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần kiểm tra xem các bí mật kinh doanh có giải quyết hoặc điều chỉnh đầy đủ tất cả các vấn đề có thể phát sinh liên quan đến bảo vệ dữ liệu trong nền kinh tế số hay không.

Ông có thấy trước sự nổi lên của các quyền tài sản mới đối với dữ liệu không?
Ở giai đoạn này, tôi không thấy trước quyền tài sản mới có thể đăng ký nào dành cho dữ liệu. Nếu một quyền mới xuất hiện, nó sẽ bắt nguồn từ quan điểm của xã hội về việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu bất hợp pháp, với bất kỳ điều gì bên ngoài phạm vi đó đều được coi là hợp pháp.
Khi đã sẵn sàng, các hạn chế có thể được coi là cơ sở của các quyền loại trừ mà chúng ta thường xem là tài sản. Hãy nhìn qua Bộ luật Hammurabi của người Babylon có niên đại từ năm 1754 trước Công nguyên. Luật đó không trao quyền sở hữu cho tài sản là cừu mà chỉ đơn giản nêu rằng việc ăn trộm cừu của hàng xóm là trái pháp luật và có thể bị trừng phạt. Theo cách này, khi chúng tôi tạo ra các hạn chế đối với luồng dữ liệu tự do trong việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu đó, ở một số giai đoạn, chúng có thể trở thành một quyền tài sản.
Ông có quan điểm như thế nào về việc có hay không máy móc có thể được cấp quyền tài sản?
Câu hỏi này hiện đang thu hút rất nhiều sự quan tâm. Khi giải quyết vấn đề này, chúng ta không nên quên rằng điểm khởi đầu để phát triển chính sách SHTT, và cả chính sách đổi mới, là xác định các kết quả mong muốn. Chúng ta muốn đạt được điều gì? Đây là câu hỏi cơ bản.
Nếu xã hội nhận định rằng sự đổi mới sẽ được khuyến khích bằng cách trao quyền cho máy móc, thì một đề xuất như vậy có thể được ủng hộ. Nhưng làm thế nào để một quyền như vậy hoạt động trong xã hội? Tại một thời điểm nào đó, một cá nhân phải tạo ra doanh thu hoặc lợi ích từ quyền đó. Hơn nữa, các nhà phát minh và khoa học đã sử dụng toàn bộ các công nghệ để phát triển các sáng chế và đạt được những kết quả không tưởng.
“Điểm khởi đầu để phát triển chính sách SHTT, và cả chính sách đổi mới, là xác định các kết quả mong muốn.”
Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO
Các nhà hoạch định chính sách SHTT có cần phải xem xét các câu hỏi liên quan khác không?
Có. Nhiều câu hỏi quan trọng hơn nảy sinh liên quan đến các hạn chế trong việc sử dụng dữ liệu với các thuật toán dựa trên AI. Ví dụ, việc đưa dữ liệu có bản quyền vào thuật toán AI để học tập có phải là vi phạm bản quyền không?
Đây là một câu hỏi khó bởi vì thứ nhất, chúng tôi không chắc tác động của việc hạn chế như vậy sẽ như thế nào và thứ hai, chúng tôi không chắc rằng liệu một sản phẩm của thuật toán học sâu (deep learning algorithm) có được tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu có bản quyền hay không. Vì vậy, chúng ta cần phải xem xét cẩn thận những kết quả muốn đạt được và những sắp xếp cần thiết để đạt được chúng.
WIPO đang chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế kỹ thuật số như thế nào?
Ở cấp độ chính sách, chúng tôi đang khuyến khích một cuộc trò chuyện giữa các quốc gia thành viên nhằm đưa ra các câu hỏi chung mà các nhà hoạch định chính sách cần đặt ra và sau đó thảo luận chung về các cách thức tiềm năng để đảm bảo tạo ra các thiết lập chính sách đổi mới hiệu quả cho nền kinh tế số mới.
Mặc dù chúng ta cách xa vời vợi từ vị thế quốc tế trong những vấn đề này, nhưng hành động này rất quan trọng và mang lại nhiều giá trị. Bởi nó sẽ nâng cao hiểu biết của chúng ta về các hàm ý chính sách SHTT về sự thống trị của các công nghệ theo hướng dữ liệu trong nền kinh tế số và sẽ hỗ trợ sự phát triển của vị thế quốc gia đối với những câu hỏi này.
Ở cấp độ hoạt động, với tư cách là một tổ chức đa phương, WIPO cũng phải giải quyết câu hỏi. Đó là về công bằng phân phối và tác động mà sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số đang gây ra đối với năng lực tham gia và cạnh tranh trong nền kinh tế kỹ thuật số của nước đang phát triển. Chắc chắn rằng điều này sẽ thể hiện bản chất của chương trình phát triển của WIPO.
Và nhiều công cụ khác đang được phát triển
Về các dịch vụ của mình, WIPO sở hữu quy mô chuyển đổi kỹ thuật số đáng kể. Tổ chức đang tiếp tục đầu tư vào việc cải thiện các nền tảng trực tuyến và vào việc phát triển các công cụ dựa trên AI mới cho các nền tảng. Ví dụ như công cụ dịch thuật WIPO Translate, công nghệ tìm kiếm hình ảnh của WIPO cho Cơ sở dữ liệu Thương hiệu Toàn cầu (Global Brands Database). Bên cạnh đó, một bộ công cụ mới, bao gồm cả công nghệ chuyển lời nói thành văn bản để cải thiện chất lượng và tốc độ ghi các cuộc họp của WIPO. .
Tùy thuộc vào sự chấp thuận của các quốc gia thành viên, WIPO cũng đang đề xuất thiết lập dịch vụ đóng dấu thời gian số. Đây là một loại dịch vụ công chứng kỹ thuật số, để giúp các nhà sáng chế và sáng tạo chứng minh rằng một tệp kỹ thuật số nhất định thuộc sở hữu của họ hoặc dưới sự kiểm soát của họ vào một ngày và thời gian cụ thể.
Đây là một bước nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp các nhà phát minh và sáng tạo bảo vệ tốt hơn lợi ích SHTT của họ trong nền kinh tế số. Đây cũng là một phần quan trọng trong việc hướng các dịch vụ của WIPO sát với thực tế của nền kinh tế số.
Thật dễ dàng để thể hiện những phát triển này như một loạt các sản phẩm và dịch vụ mới thú vị, nhưng chúng ta không được đánh mất nhu cầu tìm kiếm các giải pháp chính sách để giải quyết những phát triển sâu sắc và mang tính biến đổi này.
Nguồn: WIPO