Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp


 

 

Ngày 30/12/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Dưới đây là các nội dung sửa đổi, bổ sung chính, đáng lưu ý:

1. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định được chi tiết và củ thể hơn nhằm tạo thuận lợi cho công tác thực thi và áp dụng trên thực tế như: quy định về thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp…

Nghị định cũng giải quyết mối quan hệ về phạm vi áp dụng với các lĩnh vực liên quan khác bằng quy định tại khoản 2 Điều 1: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác trực tiếp liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.”

2. Bổ sung quy định cụ thể về các đối tượng bị xử phạt bằng Điều 1a. Đáng lưu ý là Nghị định sửa đổi đã quy định rõ: “Hộ kinh doanh; hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm”. Đây là cơ sở pháp ý quan trọng giúp quá trình áp dụng pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được nhất quán và đảm bảo công bằng.

3. Cơ sở áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 3 khoản 3 cũng được sửa đổi theo hướng khả thi hơn và rõ ràng hơn, góp phần đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa các bên: chủ thể quyền, bên vi phạm và lợi ích chung của cộng đồng và bảo vệ môi trường…

4. Tại Điều 4, thống nhất quy định xác định giá trị tang vật là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ tại khoản 1. Đồng thời bổ sung quy định về xác định giá trị Phương tiện vi phạm tại khoản 3: “Việc xác định giá trị phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt được áp dụng theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

5. Nghị định sửa đổi theo hướng nâng mức phạt chính đối với một số hành vi: Vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 6); Vi phạm quy định về đại diện sở hữu công nghiệp (Điều 7); Vi phạm quy định về giám định sở hữu công nghiệp (Điều 8)

6. Sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật văn bản với các quy định tại các điều từ Điều 10 đến Điều 14, như thay thế từ “bán” bằng “buôn bán”; quy định áp dụng đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh một phần hoặc toàn bộ; giải thích rõ các dạng hành vi cụ thể của hoạt động sản xuất…

7. Tăng thẩm quyền xử phạt chính và/hoặc áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số chức danh đang thi hành công vụ tại các điều từ Điều 16 đến Điều 20.

8. Tại Điều 31 về thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, làm rõ hơn trách nhiệm của Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan quản lý tên miền bằng các quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật” (khoản 2) “Cơ quan quản lý tên miền có trách nhiệm thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật” (khoản 3)

9. Tại Điều 32 về Sửa đổi, hủy bỏ, đình chỉ hiệu lực quyết định xử phạt hành chính đã bỏ quy định về “đình chỉ hiệu lực quyết định xử phạt hành chính” cho phù hợp và khả thi; đồng thời cũng bổ sung việc: “ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính” trong trường hợp cần thiết cho phù hợp với quyết định giải quyết tranh chấp.

Nghị định sửa đổi cũng bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 32 “Biện pháp xử lý khác theo đề xuất hợp lý của các bên liên quan” để đảm bảo tính thống nhất và tránh tùy tiện, lạm dụng trong việc áp dụng pháp luật.

10. Điều khoản thi hành và chuyển tiếp:

  • Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
  • Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng các quy định tại Nghị định này;
  • Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Phòng Thực thi quyền Sở hữu trí tuệ

Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP