Tầm quan trọng của những thông tin được sở hữu bởi công chúng


TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG THÔNG TIN ĐƯỢC SỞ HỮU BỞI CÔNG CHÚNG
Anita R. Eisenstadt

Điều khoản về sáng chế và tác quyền của Hiến pháp Hoa Kỳ (Điều 1, khoản 8, mục 8) trao cho Quốc hội quyền “Thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và các hình thức nghệ thuật hữu ích” đề cập đến việc “bảo đảm cho các tác giả và nhà phát minh đặc quyền đối với các tác phẩm và phát minh của mình trong một khoảng thời gian hữu hạn”. Việc thêm vào cụm từ “trong một khoảng thời gian hữu hạn” cho thấy những người cha lập quốc của Hoa Kỳ đã nhận ra rằng, việc cân bằng những lợi ích của sở hữu trí tuệ của các tác giả và nhà phát minh với nhu cầu trao đổi các ý tưởng của xã hội là rất quan trọng. Họ đã đạt được sự cân bằng này thông qua việc giới hạn khái niệm đặc quyền và cho phép sự lớn mạnh không bị giới hạn của một “thông tin thuộc sở hữu của công chúng”. Khi mà một hệ thống sở hữu trí tuệ đang vận hành có thể sản sinh ra những lợi ích về văn hóa và kinh tế quan trọng, thì một thông tin thuộc sở hữu của công chúng hùng mạnh cũng có thể có những đóng góp vào một xã hội dân chủ, một nền kinh tế mạnh và sự tiến bộ của khoa học.

Khái niệm “thông tin thuộc sở hữu của công chúng” nói đến những tài liệu và thông tin không được bảo hộ bởi một hình thức sở hữu trí tuệ nào. Thông tin thuộc sở hữu của công chúng được dành cho công chúng sử dụng mà không cần có sự xin phép trước hoặc có những hạn chế về việc tái sử dụng. Tại Hoa Kỳ, nó bao gồm những thông tin thực và các tác phẩm do các nhân viên Chính phủ Liên bang viết trong phạm vi công việc của họ. Thông tin thuộc sở hữu của công chúng cũng bao gồm các tác phẩm phụ thuộc vào việc bảo vệ tác quyền, nhưng việc bảo vệ những tác phẩm này đã hết thời hạn, bị vô hiệu (chẳng hạn như thông tin được thỏa thuận theo hợp đồng là không cần bảo vệ), hoặc đã bị từ bỏ.

Thông tin thuộc sở hữu của công chúng khác với “khả năng tiếp cận để ngỏ” mà điển hình là nói tới các tác phẩm được quyền tác giả bảo vệ, nhưng tác giả hoặc nhà xuất bản đã lựa chọn để công chúng tiếp cận miễn phí các tác phẩm này. Cho dù là tác phẩm có thuộc thông tin thuộc sở hữu của công chúng, thì người sử dụng cũng nên xác định rõ nguồn của tác phẩm vì việc không xác định được nguồn có thể cấu thành tội đạo văn.

Chính phủ Hoa Kỳ, nhà sản xuất duy nhất và lớn nhất những thông tin khoa học và giáo dục là một trong những nhà đóng góp lớn nhất cho thông tin thuộc sở hữu của công chúng. Thông tư A-130 của Văn phòng Quản lý và Ngân sách thuộc Chính phủ “Quản lý các nguồn thông tin liên bang” thừa nhận rằng, thông tin của chính phủ là một nguồn lực quốc gia có giá trị và rằng sự lưu chuyển thông tin tự do giữa chính phủ và công chúng là thiết yếu đối với một xã hội dân chủ. Những cách làm của Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã thúc đẩy sự truyền bá thông tin rộng rãi có được nhờ sự cung cấp tài chính của Chính phủ Liên bang. Những đối tượng được hưởng sự cung cấp tài chính của Chính phủ Liên bang được khuyến khích mạnh mẽ trong việc chia sẻ những kết quả nghiên cứu của họ.

Các tổ chức quốc tế và các tổ chức liên chính phủ như UNESCO, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin của Liên Hợp Quốc, Hội đồng Khoa học Quốc tế (ICSU) và Ủy ban Dữ liệu Khoa học và Công nghệ (CODATA) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin thuộc sở hữu của công chúng đối với cả những quốc gia phát triển và đang phát triển.

Rõ ràng là có sự căng thẳng trong việc tìm kiếm sự cân bằng tối ưu giữa thông tin thuộc sở hữu của công chúng và việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thúc đẩy việc truyền bá rộng rãi kiến thức và thông tin đồng thời bảo đảm rằng các tác giả và nhà phát minh nhận được sự bảo vệ thích đáng đối với tác phẩm của họ là điều rất quan trọng. Các hướng tiếp cận để giải tỏa sự căng thẳng này cũng đa dạng như những cách thức mà các chính phủ đang tìm kiếm để giải tỏa nó. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là: Các xã hội tự do và hướng tới tương lai cần có cả hai.
_____________________________

Anita R. Eisenstadt là cán bộ đối ngoại phụ trách chính sách thông tin tuyên truyền thuộc Văn phòng các vấn đề Kinh tế và Kinh doanh của Bộ Ngoại giao, và Văn phòng Thông tin Tuyên truyền quốc tế, Quỹ Khoa học Quốc gia, nơi cô làm việc như là một trợ lý luật gia tư vấn. Cô là một chuyên gia về chính sách dữ liệu khoa học liên bang.