Các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok trước đây chỉ là nơi kết nối, giải trí thì hiện nay đã trở thành kênh bán hàng, mua sắm sôi động. Đi cùng với đó là vấn nạn vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt khi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Ngày càng nhiều sản phẩm hàng hoá vi phạm sở hữu trí tuệ được công khai rao bán trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử với nhiều thủ đoạn và biến tướng tinh vi, phức tạp.
Tại Hội thảo “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam – Nhật Bản”, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường nhận định: thủ đoạn và phương thức vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp để qua mắt các cơ quan chức năng. Các đối tượng có xu hướng lập kho hàng ở biên giới rồi chuyển phát nhanh đưa vào nội địa tiêu thụ hay chia nhỏ công đoạn, khi có khách đặt mới gom lại để lắp ráp, đóng gói…
Đặc biệt, các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok trước đây chỉ là nơi kết nối, giải trí thì hiện nay đã trở thành kênh bán hàng, mua sắm sôi động. Trong khi đó, hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam dù đã được bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn chưa theo kịp thời đại, thiếu quy định xử lý vi phạm với người bán hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Đó là lý do tại sao vụ việc vi phạm trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử liên tục gia tăng trong thời gian gần đây nhưng chưa được xử lý rốt ráo và quyết liệt.
Lực lượng quản lý thị trường chia sẻ về cách nhận diện hàng thật – hàng giả. (Ảnh minh họa: Đỗ Đạt) |
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2023, đã có 9.246 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý với số tiền phạt hành chính là 92,5 tỷ đồng; trị giá hàng hoá vi phạm đạt trên 118,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận, kết quả đạt được vẫn chưa thực sự bền vững.
Ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, có một số vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết. Đó là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý tốt hơn, trong đó; tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, nhất là phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội để vừa tuyên truyền vận động vừa kịp thời nhận diện vi phạm để chung tay xử lý; ứng dụng công nghệ định danh người bán và hàng hoá vi phạm để xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và tiến bộ trong thực thi các quy định quốc tế về phòng chống hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực khó và thường xuyên biến đổi nên cơ quan chức năng đối mặt với nhiều thách thức trong xử lý.
Trong đó, số vụ vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử có xu hướng tăng rất nhanh. Hầu hết các vụ việc hiện nay có thể là vi phạm trực tuyến hoặc cùng lúc xảy ra trên thị trường trực tiếp và trực tuyến. Thế nhưng, việc xử lý các vụ việc trên không đơn giản do hình thức vi phạm tinh vi và chuyên nghiệp như không xác định hành vi vi phạm, địa chỉ đăng ký kinh doanh một nơi, kho hàng một nẻo… khiến các cơ quan chức năng “đau đầu” nhận diện.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho hay, trong mục tiêu của đề án Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại đến năm 2025, Việt Nam phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; 100% các sàn thương mại điện tử lớn phải ký cam kết không kinh doanh hàng giả; không để các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả trên hệ thống của mình. Cùng với đó là đào tạo đội ngũ cán bộ công chức chuyên sâu về an ninh mạng, cách thức phòng chống vi phạm trên nền tảng số.
Bảo Thoa
Nguồn: laodongthudo.vn