Tranh chấp tên miền chứa nhãn hiệu: Vụ L’Oréal kiện 陈俊 (Chen Jun)


PHÁN QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI HÀNH CHÍNH

Vụ việc số D2021-4413

1. Các Bên

Nguyên đơn là L’Oréal, trụ sở tại Pháp, đại diện bởi Công ty Luật Dreyfus và cộng sự, Pháp.

Bị đơn là 陈俊 (Chen Jun), cư trú tại Trung Quốc.

2. Tên miền và Nhà Đăng ký

Tên miền tranh chấp <lorealmeta.com> được đăng ký với công ty DNSPod (“Nhà Đăng Ký”).

3. Trình tự thủ tục vụ việc

Nguyên đơn đã nộp đơn tới Trung Tâm Trọng Tài và Hòa Giải của WIPO (“Trung Tâm”) vào ngày 30 tháng 12 năm 2021. Ngày 04 tháng 01 năm 2022, Trung Tâm đã gửi thư điện tử tới Nhà Đăng Ký yêu cầu xác minh đăng ký liên quan tới tên miền tranh chấp.

Ngày 05 tháng 01 năm 2022, Nhà Đăng Ký đã gửi thư điện tử trả lời Trung Tâm phản hồi xác thực rằng Người đăng ký và thông tin liên hệ của tên miền tranh chấp khác với Bị đơn và thông tin liên hệ trong Đơn Khiếu Nại. Xem xét người đăng ký và thông tin liên hệ do Nhà Đăng Ký cung cấp, Trung Tâm đã gửi thư điện tử thông báo tới Nguyên đơn vào ngày 07 tháng 02 năm 2022 và yêu cầu Nguyên đơn nộp sửa đổi Đơn Khiếu Nại. Nguyên đơn đã nộp Đơn Khiếu Nại sửa đổi bằng tiếng Anh vào ngày 10 tháng 01 năm 2022.

Vào ngày 07 tháng 01 năm 2022, Trung Tâm đã gửi thư điện tử thông báo cho các Bên bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc về ngôn ngữ sử dụng trong thủ tục tố tụng. Vào ngày 10 tháng 01 năm 2022, Nguyên đơn đã xác nhận yêu cầu của mình rằng tiếng Anh nên là ngôn ngữ trong thủ tục tố tụng. Bị đơn không bình luận về ngôn ngữ trong thủ tục tố tụng.

Trung Tâm xác nhận rằng Đơn Khiếu Nại và Đơn Khiếu Nại sửa đổi đáp ứng các yêu cầu về hình thức của Chính Sách Thống Nhất Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền (gọi là “Chính Sách” hoặc “UDRP”), các Quy tắc về Chính Sách Thống Nhất Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền (gọi là “Quy Tắc”) và Các Quy Tắc Bổ Sung Của WIPO đối với Chính Sách Thống Nhất Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền (gọi là “Quy Tắc Bổ Sung”).

Căn cứ vào đoạn 2 và 4 của Quy Tắc, Trung Tâm chính thức thông báo tới Bị đơn về Đơn Khiếu Nại bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc và bắt đầu các thủ tục tố tụng vào ngày 14 tháng 01 năm 2022. Căn cứ vào đoạn 5 của Quy Tắc, hạn cuối nộp Phản Hồi là ngày 03 tháng 02 năm 202. Bị đơn đã không gửi bất kỳ phản hồi nào. Theo đó, Trung Tâm thông báo sự không tuân thủ của Bị đơn vào ngày 04 tháng 02 năm 2022.

Trung Tâm bổ nhiệm bà Rachel Tan là trọng tài viên duy nhất trong vụ việc này vào ngày 17 tháng 02 năm 2022. Hội đồng Trọng tài nhận thấy vụ việc đã được xác lập một cách hợp lệ. Hội đồng Trọng tài đã nộp Tuyên Bố Chấp Nhận và Tuyên Bố Về Việc Giải Quyết Vụ Việc Công Bằng và Độc Lập theo yêu cầu của Trung Tâm để đảm bảo tuân thủ đoạn 7 của Quy Tắc.

4. Bối cảnh thực tế của vụ việc

Nguyên đơn là một tập đoàn công nghiệp Pháp chuyên hoạt động trong lĩnh vực mỹ phẩm và làm đẹp. Tập đoàn là một tập hợp của 36 nhãn hiệu, với 86.000 nhân viên và có hiện diện thương mại tại 150 quốc gia. Cụ thể, L’Oréal Trung Quốc được thành lập vào năm 1997, có trụ sở tại Thượng Hải và các văn phòng tại năm thành phố khác.

Nguyên đơn sở hữu các nhãn hiệu mang yếu tố “L’ORÉAL” hoặc “L’OREAL” tại các thẩm quyền tài phán khác nhau, trong đó có Đăng Ký Quốc Tế Số 1532645 cho nhãn hiệu L’OREAL ngày 29 tháng 04 năm 2020, thiết kế, cùng với những thứ khác tại Trung Quốc thuộc các nhóm 3, 5; và Đăng Ký Quốc Tế Số 1532298 cho nhãn hiệu L’ORÉAL PARIS ngày 24 tháng 04 năm 2020 thuộc các nhóm 3, 5.

Nguyên đơn sở hữu các tên miền <loreal.com> và <loreal.cn>, được đăng ký lần lượt vào ngày 24 tháng 10 năm 1997 và ngày 17 tháng 03 năm 2003.

Bị đơn là 陈俊 (Chen Jun), cư trú ở Trung Quốc.

Tên miền tranh chấp được đăng ký vào ngày 04 tháng 11 năm 2021. Vào ngày nộp Đơn Khiếu Nại, tên miền tranh chấp dẫn tới một tên miền của trang web buôn bán đang rao bán tên miền tranh chấp với giá 20.000 USD. Vào ngày công bố Phán quyết này, tên miền tranh chấp dẫn tới tên miền của cùng một trang web buôn bán, nhưng hiện lên “lorealmeta.com”, “Trang này không còn tồn tại”, và “Danh sách tên miền này đã bị xóa. Tên miền có thể được bán trở lại trong tương lai. Hãy kiểm tra lại sau.”

5. Lập luận của các bên

A. Nguyên đơn

Nguyên đơn cho rằng tên miền tranh chấp sao chép toàn bộ nhãn hiệu L’ORÉAL của Nguyên đơn, mà các Hội đồng Trọng tài UDRP trước đây đã coi là “được nhiều người biết đến” hoặc “nổi tiếng”. Thuật ngữ bổ sung “meta” không đủ để tránh sự giống nhau gây nhầm lẫn giữa tên miền tranh chấp và nhãn hiệu của Nguyên đơn. Việc bỏ dấu ngoặc đơn sau chữ “l” trong nhãn hiệu L’ORÉAL là không đáng kể và không đủ để tránh sự tương tự gây nhầm lẫn (confusing similarity). Phần mở rộng “.com” không được xem xét khi kiểm tra sự trùng lặp hoặc tương tự giữa nhãn hiệu của nguyên đơn và tên miền tranh chấp.

Nguyên đơn cáo buộc thêm rằng Bị đơn không liên kết với Nguyên đơn theo bất kỳ cách nào cũng như không được Nguyên đơn cho phép sử dụng và đăng ký nhãn hiệu của mình hoặc tìm kiếm đăng ký bất kỳ tên miền nào kết hợp nhãn hiệu của họ. Bị đơn thường không được biết đến bằng tên miền tranh chấp hoặc tên “L’ORÉAL”. Bị đơn không thể thể hiện bất kỳ mục đích phi thương mại hoặc sử dụng hợp lý (fair use) tên miền tranh chấp vì tên miền tranh chấp dẫn đến một trang mặc định của sàn giao dịch “dan” đang rao bán tên miền tranh chấp với số tiền 20.000 USD.

Nguyên đơn cuối cùng khẳng định rằng không có khả năng/đáng ngờ rằng Bị đơn không biết về Nguyên đơn khi đăng ký tên miền tranh chấp. Bị đơn đã đăng ký tên miền tranh chấp dựa trên danh tiếng và sức hấp dẫn của nhãn hiệu của Nguyên đơn để chuyển hướng lưu lượng truy cập Internet đến trang web của mình. Xét đến thiện chí của Nguyên đơn, bản chất của tên miền tranh chấp và việc sử dụng tên miền tranh chấp, Bị đơn đã chọn tên miền tranh chấp để cố tình gây nhầm lẫn cho người dùng Internet về nguồn của nó nhằm lợi dụng quyền của Nguyên đơn.

B. Bị đơn

Bị đơn không phản hồi các lập luận của Nguyên đơn.

6. Thảo luận và tuyên án

6.1 Ngôn ngữ sử dụng trong thủ tục tố tụng

Ban đầu, Hội đồng Trọng tài phải giải quyết ngôn ngữ của thủ tục tố tụng. Đoạn 11(a) của Quy Tắc quy định rằng trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, hoặc Hội đồng Trọng tài có quyền quyết định khác, ngôn ngữ sử dụng trong thủ tục tố tụng sẽ là ngôn ngữ của Hợp Đồng Đăng Ký sau khi cân nhắc tình tiết của thủ tục tố tụng hành chính. Hội đồng Trọng tài có thể chọn viết phán quyết bằng một trong hai ngôn ngữ hoặc yêu cầu bản dịch các nội dung đệ trình của một trong hai bên.

Trong trường hợp này, Nhà Đăng Ký đã xác nhận với Trung Tâm rằng ngôn ngữ của Hợp Đồng Đăng Ký mà người đăng ký sử dụng cho tên miền tranh chấp là tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, Nguyên đơn đã yêu cầu sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ của thủ tục tố tụng vì những lý do được tóm tắt dưới đây:

(a) Nguyên đơn cư trú ở Pháp và không biết tiếng Trung Quốc. Việc sử dụng một ngôn ngữ khác không phải là tiếng Anh trong thủ tục tố tụng sẽ tạo ra gánh nặng cho Nguyên đơn và thủ tục tố tụng chắc chắn sẽ bị trì hoãn;

(b) tên miền tranh chấp chỉ bao gồm các ký tự Latinh, điều này cho thấy rằng Bị đơn có kiến thức về các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Trung Quốc; và

(c) Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong quan hệ quốc tế và là một trong những ngôn ngữ làm việc của Trung Tâm.

Theo thông lệ, đoạn 10(b) và (c) của Quy Tắc sẽ được xem xét để xác định ngôn ngữ của thủ tục tố tụng, nhằm đảm bảo sự công bằng cho các bên và duy trì sự nhanh chóng và không tốn kém trong việc giải quyết tranh chấp tên miền. Các yêu cầu về ngôn ngữ không nên dẫn đến gánh nặng quá mức lên các bên và gây ra sự trì hoãn quá mức trong thủ tục tố tụng.

Hội đồng Trọng tài đã xem xét các trường hợp trên và quyết định rằng tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ của thủ tục tố tụng này. Những lý do được nêu ra dưới đây:

(a) Nguyên đơn là một công ty có trụ sở tại Pháp. Việc yêu cầu Nguyên đơn nộp các tài liệu bằng tiếng Trung Quốc sẽ dẫn đến sự trì hoãn và khiến Nguyên đơn phải chịu chi phí dịch thuật;

(b) Việc Bị đơn lựa chọn các chữ cái La Mã cho tên miền tranh chấp cho thấy Bị đơn quen thuộc với ngôn ngữ tiếng Anh;

(c) ngay cả khi Bị đơn không có đủ trình độ tiếng Anh để hiểu Đơn Khiếu Nại thì vẫn có rất nhiều cơ hội để Bị đơn đưa ra phản đối. Trung Tâm đã thông báo cho các Bên bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc về yêu cầu của Nguyên đơn để tiếng Anh làm ngôn ngữ của thủ tục tố tụng, nhưng Bị đơn không phản đối yêu cầu này;

(d) Bị đơn đã không tham gia vào thủ tục tố tụng dù Trung Tâm đã gửi thông báo về Đơn Khiếu Nại bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc và đã được thông báo về sự không tuân thủ của Bị đơn; và

(e) Đơn Khiếu Nại đã được nộp bằng tiếng Anh. Không có lợi ích thủ tục có thể dự đoán trước khi yêu cầu sử dụng tiếng Trung Quốc. Mặt khác, thủ tục tố tụng có thể được tiến hành nhanh chóng bằng tiếng Anh.

Theo đó, Hội đồng Trọng tài sẽ tiến hành ban hành Phán quyết này bằng tiếng Anh.

6.2 Các vấn đề thực chất trong Thủ tục Tố tụng

A. Trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn

Hội đồng Trọng tài hài lòng rằng Nguyên đơn đã bổ sung bằng chứng để chứng minh các quyền đã được thiết lập của mình đối với nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL.

Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng tên miền tranh chấp chứa toàn bộ nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL. Để nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL ở đầu tên miền tranh chấp khiến tên miền tranh chấp được nhận diện ngay lập tức. Trong trường hợp việc tên miền kết hợp toàn bộ nhãn hiệu hoặc ít nhất một đặc điểm nổi trội của nhãn hiệu liên quan được thấy rõ trong tên miền thì tên miền thường sẽ bị xem là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đó theo quan điểm của UDRP. Xem phần 1.7 của Tổng quan WIPO về Các Quan Điểm Của Hội đồng Trọng tài WIPO về Các Câu hỏi UDRP Chọn Lọc, Ấn Bản Thứ Ba (“Tổng Quan WIPO 3.0”).

Hơn nữa, Hội đồng Trọng tài của UDRP trước đây đã chấp nhận rằng việc bổ sung các từ hoặc thuật ngữ khác (cho dù mang tính mô tả, địa lý, xúc phạm, vô nghĩa hoặc cách khác) vào nhãn hiệu của Nguyên đơn sẽ không ngăn chặn sự tương tự gây nhầm lẫn trong yếu tố đầu tiên của Chính Sách. Theo đó, từ bổ sung “meta” không ngăn chặn sự tương tự gây nhầm lẫn giữa tên miền tranh chấp và nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL của Nguyên đơn. Xem phần 1.8 của Tổng Quan WIPO 3.0.

Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài cho phép bỏ qua Tên Miền Cấp Cao Nhất dùng chung (“gTLD”), trong trường hợp này là “.com”. Xem phần 1.11.1 của Tổng Quan WIPO 3.0.

Theo đó, Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng Nguyên đơn đã đáp ứng yếu tố đầu tiên theo đoạn 4(a) của Chính Sách.

B. Quyền và lợi ích hợp pháp

Trong trường hợp Nguyên đơn sở hữu độc quyền đối với nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL trong khi Bị đơn dường như không có quyền đối với nhãn hiệu và xem xét các sự kiện và lập luận nêu trên, Hội đồng Trọng tài hài lòng rằng Nguyên đơn đã thiết lập một vụ việc a prima facie case (nghĩa vụ chứng minh chuyển sang Bị đơn) rằng Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp đối với tên miền tranh chấp và gánh nặng chứng minh chuyển sang Bị đơn. Xem phần 2.1 của Tổng Quan WIPO 3.0.

Bị đơn đã không cung cấp bằng chứng về việc sử dụng hợp pháp tên miền tranh chấp hoặc các lý do để biện minh cho việc lựa chọn tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL của Nguyên đơn. Hơn nữa, không có chứng cứ nào cho thấy Bị đơn thường được biết đến thông qua tên miền tranh chấp hoặc có quyền hoặc lợi ích hợp pháp trong đó. Nguyên đơn đã không cấp giấy phép hoặc ủy quyền cho Bị đơn sử dụng nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL của Nguyên đơn hoặc đăng ký tên miền tranh chấp. Hơn nữa, Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng Bị đơn trước đó đã rao bán tên miền tranh chấp. Không có trường hợp nào trong số này cho thấy việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ một cách trung thực hoặc sử dụng hợp pháp hoặc phi thương mại tên miền tranh chấp theo đoạn 4(c) của Chính Sách.

Do đó, Hội đồng Trọng tài xét thấy Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp đối với tên miền tranh chấp. Theo đó, Ban Hội thẩm nhận thấy rằng Nguyên đơn đã đáp ứng yếu tố thứ hai theo đoạn 4(a) của Chính Sách.

C. Đăng ký và sử dụng không trung thực (Bad Faith)

Nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL của Nguyên đơn đã được đăng ký toàn cầu. Tên miền tranh chấp đã được đăng ký sau khi nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL của Nguyên đơn được đăng ký. Thông qua việc sử dụng và quảng cáo rộng rãi, nhãn hiệu L’ORÉAL hay L’OREAL của Nguyên đơn đã nổi tiếng khắp thế giới. Các kết quả tìm kiếm sử dụng từ khóa “l’oréal” hoặc “l’oreal” trên các công cụ tìm kiếm Internet bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc hướng người dùng Internet đến Nguyên đơn và doanh nghiệp của họ, điều này cho thấy rằng sự kết nối riêng giữa nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL và Nguyên đơn đã được thiết lập. Như vậy, Bị đơn đã biết hoặc lẽ ra phải biết về nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL của Nguyên đơn khi đăng ký tên miền tranh chấp và đã thực hiện “sự cố tình không biết mà nhiều Hội đồng Trọng tài cho rằng là một dấu hiệu của việc lừa dối”. Xem vụ việc giữa Barclays Bank PLC và Andrew Barnes, WIPO Case No. D2011-0874.

Phần 3.1.4 của Tổng Quan WIPO 3.0 nêu rõ rằng “[…] việc chỉ đăng ký một tên miền trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn (đặc biệt là các tên miền có lỗi chính tả hoặc kết hợp nhãn hiệu với một thuật ngữ mô tả) với một nhãn hiệu nổi tiếng hoặc được biết đến rộng rãi bởi một chủ thể không có liên kết có thể tự tạo ra một giả định về sự lừa dối”. Trong trường hợp này, tên miền tranh chấp tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu L’ORÉAL hoặc L’OREAL nổi tiếng và được Bị đơn đăng ký nhưng không có mối quan hệ với Nguyên đơn, có nghĩa là có thể tạo ra giả định về sự không trung thực.

Ngoài ra, tên miền tranh chấp đang được rao bán với giá 20.000 USD trên trang web được dẫn tới, vượt quá chi phí đăng ký và duy trì tên miền thông thường. Việc không có các trường hợp cho thấy Bị đơn có quyền hoặc lợi ích hợp pháp đối với tên miền tranh chấp dẫn đến kết luận của Hội đồng Trọng tài rằng thực tế mục đích của Bị đơn khi đăng ký tên miền tranh chấp là để thu lợi hoặc khai thác thương hiệu của Nguyên đơn theo một cách nào đó. Trong vụ việc này, Hội đồng Trọng tài xét thấy việc bán tên miền tranh chấp là bằng chứng của hành vi đăng ký và sử dụng không trung thực. Xem phần 3.1.1 của Tổng Quan WIPO 3.0.

Bị đơn đã giữ im lặng trước những cáo buộc về sự lừa dối của Nguyên đơn. Xem xét các trường hợp này, Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng Bị đơn lẽ ra đã phải biết về Nguyên đơn trước khi đăng ký tên miền tranh chấp và, xem xét việc Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp, và bằng cách đăng ký và sử dụng tên miền tranh chấp như đã thảo luận ở trên, Hội đồng Trọng tài kết luận rằng tên miền tranh chấp đã được đăng ký và đang được sử dụng không trung thực.

Theo đó, Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng Nguyên đơn đã đáp ứng yếu tố thứ ba theo đoạn 4(a) của Chính sách.

7. Quyết Định

Vì những lý do nêu trên, theo quy định của đoạn 4(i) của Chính Sách và đoạn 15 của Quy Tắc, Hội đồng Trọng tài quyết định rằng tên miền tranh chấp <lorealmeta.com> được chuyển cho Nguyên đơn.

Rachel Tan
Trọng tài viên duy nhất
Ngày 02 tháng 03 năm 2022

Nguồn: Trung tâm Trọng tài và Hòa giải WIPO