Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (“Artificial Intelligence – AI”) đã và đang được ứng dụng vào đời sống kinh tế – xã hội và ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trong khi AI được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và tác động mạnh mẽ đến các khía cạnh của sự sáng tạo thì các vấn đề pháp lý liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm tạo ra bởi AI cũng phát sinh nhiều khó khăn.
Nếu những người máy đầu tiên chỉ có khả năng mô phỏng hành vi cơ bản của con người thì thế hệ người máy hiện nay đã có những bước tiến vượt trội. Những tác phẩm do AI tạo ra có thể khiến con người phải ngỡ ngàng, điển hình như: (i) “The Next Rembradt” do máy tính tạo ra dựa trên thuật toán phân tích hàng nghìn tác phẩm của nghệ sỹ người Hà Lan – Rembrandt, (ii) tiểu thuyết “The Land of Machine Memories” hoàn thành bằng 66 câu lệnh dạng văn bản gửi đến mô hình AI, (iii) bài hát “The AI love song” do AI tự viết phần nhạc với tốc độ 10 giai điệu/1 giây,… Có thể thấy AI đã và đang tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về mặt nội dung và nghệ thuật. Điều này đang ngầm khẳng định con người không phải là chủ thể sáng tạo duy nhất.
Tác phẩm: The Next Rembradt – Nguồn: Internet
Tuy nhiên, cách AI tạo ra các tác phẩm sẽ không giống với con người mà dựa vào những thuật toán tích hợp cho phép nó tiếp thu dữ liệu, xử lý thông tin, phát triển và đưa ra các quyết định độc lập và được định hướng sẵn. Theo đó, khi sáng tác AI sẽ tiếp thu dữ liệu đã được lập trình sẵn, xử lý thông tin và từ đó tạo ra một sản phẩm dựa trên việc phân tích các dữ liệu đó.
Các tác phẩm do AI tạo ra có nhiều loại, thường được chia thành 02 loại chính: Tác phẩm do máy tính hỗ trợ và Tác phẩm do máy tính tự thực hiện. Tác phẩm do máy tính hỗ trợ (“Computer – assited Works, CAW”) là công cụ thực hiện trong quá trình sáng tạo, ví dụ như các phần mềm hỗ trợ: Adobe, Photoshop,… Trong khi đó, các tác phẩm do máy tính thực hiện (“Computer – generated Works, CGW”) có chức năng, trách nhiệm quan trọng hơn, ít hoặc thậm chí không có sự can thiệp của con người trong quá trình sáng tạo của chúng. Đối với các tác phẩm do máy tính hỗ trợ thường không có quá nhiều khó khăn trong việc bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, đối với những tác phẩm do AI tạo ra, đem lại giá trị cao thì lại gặp nhiều khó khăn do khung pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Thực tế hiện nay, chưa quốc gia nào cấm AI tạo ra các tác phẩm, tuy nhiên cũng có nhiều nước không công nhận bản quyền cho các tác phẩm do AI tạo ra. Điển hình như Cơ quan Bản quyền của Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng một tác phẩm tạo ra phải được tạo bởi con người, cụ thể chỉ bảo vệ “thành quả lao động trí tuệ được hình thành bởi sức mạnh của trí tuệ[1]”. Tại Úc, trong án lệ “Acohs Pty Lte” tòa án cũng đã từng đưa ra phán quyết rằng một tác phẩm được tạo ra với sự can thiệp của máy tính không thể được bảo vệ bởi luật bản quyền vì nó không phải là một con người. Một số quốc gia khác như: Ấn Độ, Vương Quốc Anh,… họ trao quyền tác giả lại cho những lập trình viên. Trong đạo luật bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế (CDPA) của Vương Quốc Anh đã quy định “Trong trường hợp tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hay nghệ thuật được tạo ra từ máy tính, tác giả sẽ là người sắp xếp cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm được thực hiện”.
Tại Việt Nam hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ có quy định khái niệm về “tác phẩm”[2] là những sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào. Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, các tác phẩm này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác[3]. Chủ thể của quyền tác giả là tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo công ước quốc tế về quyền tác giả mà CHXHCN Việt Nam là thành viên[4]. Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định chỉ có tổ chức, cá nhân là con người mới là các chủ thể được nắm giữ quyền tác giả. Các đối tượng như máy tính, robot, AI không phải là chủ thể quyền tác giả.
Theo đó, có thể thấy pháp luật hiện nay chưa công nhận quyền tác giả cho các chủ thể không phải là con người. Trong kỷ nguyên hiện nay, pháp luật cũng nên có những điều chỉnh phù hợp, mở rộng phạm vi bảo hộ cho phù hợp với bước tiến của khoa học công nghệ.
[1] Án lệ “Feist Publication v Rural Telephone Service Company, Inc.” 499 U.S. 340 (1991)
[2] Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ
[3] Khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ
[4] Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ
Tác giả: Đặng Ngọc Quỳnh Anh
Phòng Nhãn hiệu