Xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu – dấu hiệu và biện pháp xử lý


Xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu diễn ra ngày càng phổ biến và dưới nhiều hình thức khác nhau. Vậy làm cách nào để xác định hành vi được coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu? và biện pháp xử lý khi có những hành vi vi phạm đến nhãn hiệu là gì? Bài viết dưới đây, INVESTIP sẽ giải đáp các câu hỏi này.

Căn cứ pháp lý về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu

Theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu gồm:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm

Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định căn cứ xác định hành vi xâm phạm. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:

  • Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
  • Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
  • Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.
  • Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

Các yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.

Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.

Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải đối chiếu dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải đối chiếu sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Như vậy để kết luận  có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:

  • Thứ nhất, dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  • Thứ hai, hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.

Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:

  • Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện thứ nhất;
  • Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện thứ hai hoặc hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Theo quy định tại Điều 202, 211, 212 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể xử lý bằng các phương pháp sau:

  • Biện pháp dân sự: Khởi kiện dân sự ra toà án có thẩm quyền để giải quyết.
    Biện pháp hành chính: Đề nghị cơ quan hành chính có thẩm quyền xử lý hành chính theo quy định pháp luật.
  • Biện pháp xử lý hình sự: Đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự trong trường hợp có cấu thành tội phạm.

Thông thường, quy trình xử lý đối với các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bao gồm các bước sau:

Bước 1: Thu thập thông tin đối tượng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: sản phẩm mẫu, catalog, bao bì, thông tin nhà sản xuất sản phẩm.

Bước 2: Thực hiện việc giám định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bước 3: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền (Toà án, Cơ quan quản lý thị trường, cơ quan cảnh sát điều tra) ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu.

Dịch vụ tư vấn xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của INVESTIP

  • Xác định đối tượng vi phạm sở hữu trí tuệ;
  • Thủ tục xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
  • Yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm;
  • Giám định nhãn hiệu;
  • Yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và kết luận về các hành vi vi phạm quyền của các đối tượng sở hữu trí tuệ;
  • Yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm;
  • Tham gia tố tụng với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng liên quan đến sở hữu trí tuệ tại Toà án có thẩm quyền.

Trên đây là các thông tin về dấu hiệu và biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu. Nếu quý khách hàng cần tư vấn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng, chuyên nghiệp.

>> Xem thêm: Cơ chế xử lý và bảo hộ nhãn hiệu bị xâm phạm